Ảnh minh họa.
Thoạt đầu là sự cố gây ầm ĩ, đinh tai, nhức óc với việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa ở lớp Một và đánh thẳng vào túi tiền phụ huynh: hơn 800 nghìn/ bộ sách. Trước phản ứng của dư luận, nhiều nhà giáo dục có học vị, tiếng tăm đã lên tiếng bảo vệ cho “tiền sách” này, luận cứ của họ đưa ra là do cá nhân bỏ tiền túi nghiên cứu cải tiến, do Nhà xuất bản có thể bị lỗ, do chúng ta chưa có thói quen bỏ tiền mua sách nên bị “sốc”,... Và, có thể khép màn khi một nữ nhà giáo tuyên bố thẳng thừng: Phụ huynh là lực cản lớn nhất của giáo dục!
Thật chính xác, thật đúng vì “kẻ tội đồ” phụ huynh không thể cãi lại được một câu – cái cách mà họ hành xử từ mấy chục năm nay, chỉ biết vâng lời và đóng quỹ, nộp tiền, chưa từng có một phản ứng nào, dù yếu ớt nhất, đối với nền giáo dục, kể cả khi con em của họ liên tục đưa ra làm “chuột bạch” cho công cuộc thử nghiệm cải cách giáo dục.
Họ – lực cản của giáo dục, không có tiền để mua sách cho con mình là thể hiện rõ nhất, không thể chối cãi. Nói thế nào thì phụ huynh cũng phải chịu, chứ vu cho họ là “lực cản” cũng chưa là gì! Trước đó, đồng cảm với nhận định này, một nhà sư phạm đã cho rằng, nghèo thì đừng đẻ, đã đẻ ra thì phải mua sách cho con học.
Nghèo – không phải là tội nhưng là tội nghiệp, đúng là lực cản của sự nghiệp bán sách giáo khoa và tham khảo! Không biết tự bao giờ, nhà trường đã trở thành “đại lý” cho đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập, bảo hiểm… và một số thứ khác.
Lý giải điều này, ngoài việc “tất cả vì học sinh thân yêu”, còn lại là “vì tiền” chứ còn cái gì khác nữa!
Để chiêu sinh vào trường mình được nhiều (cũng là vì tiền), một trường Đại học ở Đà Nẵng đã dùng chiến lược truyền thông, viết thư gửi đến thí sinh với nội dung hạ thấp các trường khác. Cạnh tranh thật lành mạnh và đó là bài học nhập môn cho các sinh viên trường này, ra đời cứ thế mà làm.
Cũng vì tiền mà một trường đại học mấy lần kiện sinh viên của mình nhưng đều bị từ chối, đến khi bị sinh viên kiện lại thì họ đã thua trắng: Tòa tuyên phải trả lại học phí đã thu quá của sinh viên và phải trả hồ sơ gốc cho sinh viên (nhà trường đã giữ hồ sơ gốc của sinh viên dù họ đã chuyển đi nơi khác, như một thứ “con tin” để vòi tiền).
Nhắc đến giáo dục, chúng ta chỉ biết buông lời cảm thán và thở dài khi người ta đặt tâm thế vào xuất phát điểm giáo dục là tiền, tâm huyết nhà giáo là vì tiền.
Phaly - Pháp luật Plus