Hà Nội đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố về quy mô kinh tế
Kinhte&Xahoi
Sáng 29-12, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quang cảnh hội thảo.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Lê Ngọc Anh cho biết: Ngày 22-2-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 222/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội thảo nhằm đánh giá quá trình 10 năm thực hiện chiến lược; làm rõ thực trạng phát triển trên nhiều mặt của Thủ đô, đồng thời xem xét những vấn đề cần tập trung giải quyết để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra cho Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, cũng như góp phần lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.
Theo báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tốc độ tăng trưởng GRDP hằng năm của Hà Nội trong thời kỳ 2011-2020 cao gấp 1,12 lần so với bình quân cả nước, nhưng thấp so với mặt bằng chung của vùng Đồng bằng sông Hồng và khá khiêm tốn so với mục tiêu đặt ra là 12-13%/năm.
Hà Nội luôn là thành phố đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố xét về quy mô kinh tế, chiếm khoảng 12,5-12,6% tổng GDP cả nước. Nhưng trong vùng Đồng bằng sông Hồng, quy mô GRDP đã giảm từ 48% năm 2010, xuống 46,9% năm 2015 và 43,1% năm 2020, do sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều địa phương trong vùng.
Về phát triển văn hóa, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động đầu tư tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội, xây dựng thiết chế văn hóa, phát động phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư... Tuy nhiên, những kết quả nêu trên chưa tạo ra được dấu ấn trong phát triển. Các nguồn lực tài chính, đất đai, con người… cho phát triển văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu và nhiệm vụ đặt ra. Công nghiệp điện ảnh, âm nhạc, giải trí... chưa tương xứng với tầm vóc của Thủ đô.
Báo cáo cũng đánh giá thực trạng các lĩnh vực lao động - việc làm, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, an sinh xã hội; nhận diện về đô thị hóa và phát triển kết cấu hạ tầng; thực trạng lĩnh vực tài nguyên, môi trường…
Ngoài 80 bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý gửi tới hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tham dự đã tập trung đánh giá những kết quả phát triển kinh tế - xã hội; xác định hạn chế, tồn tại và nguyên nhân.
Nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp có tính khả thi nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy lợi thế, giúp thành phố khắc phục hạn chế, hoàn thành các mục tiêu chiến lược đã đề ra trong thời gian tới.
Bảo Hân - Hà Nội mới