Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra bánh Trung Thu. (Ảnh: TTXVN)
Thực hiện Kế hoạch số 218/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu, từ ngày 28/8 đến 5/10, các đoàn kiểm tra sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.
Thời điểm này, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cũng triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường Tết Trung thu 2023. Kết quả, cơ quan này liên tiếp phát hiện các vụ kinh doanh bánh trung thu có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.
Đơn cử như ngày 29/8, đoàn kiểm tra liên ngành, bao gồm: Đội Quản lý thị trường số 24 và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy - Công an huyện Hoài Đức đã tổ chức kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh chế biến nông sản Gia Hưng, phát hiện và tạm thu giữ gần 2.000 chiếc bánh trung thu có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.
Đến ngày 31/8, Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng đã phát hiện 960 chiếc bánh Trung thu nhân trứng chảy (tên MX Lava Custard Mooncake) do nước ngoài sản xuất nghi nhập lậu, không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, chất lượng...
Đáng chú ý, ngay những ngày đầu triển khai Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong dịp Tết Trung thu năm 2023, Đội Quản lý thị trường số 22 (Quản lý thị trường Hà Nội) cùng Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện và tạm giữ trên 4.600 chiếc bánh trung thu nhập lậu. Toàn bộ hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa.
Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, thành viên Ban chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội cho biết, thời gian triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra thị trường hàng hoá dịp tết Trung thu từ ngày 29/8 đến hết ngày 30/9.
“Kế hoạch số 17 là để chỉ đạo định hướng cho các Đội Quản lý thị trường phải có điều tra cơ bản tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh bánh ở trên địa bàn, từ đó mới có cơ sở dữ liệu tăng cường giám sát, kiểm tra đột xuất. Vì kiểm tra đột xuất mới có hiệu quả.
Những năm vừa qua, kiểm tra đột xuất đã bắt được rất nhiều kể cả trên tuyến lưu thông cho đến các cơ sở sản xuất liên quan đến chất lượng. Ở đây cũng có cả phần liên quan đến trách nhiệm của địa phương, và đặc biệt là Phòng Y tế của các quận, huyện, thị xã phải có trách nhiệm, cấp phép ra thì phải có kiểm soát, hậu kiểm, tránh tình trạng cấp ra rồi xong không kiểm soát được, mà có thể người ta đăng ký như này, nhưng sau khi người ra sản xuất thì không được đảm bảo theo tiêu chuẩn người ta công bố” - ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng trong dịp Tết Trung thu năm nay, ngành Y tế Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra. Qua kiểm tra, các khách sạn sản xuất bánh Trung thu đã thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất bánh Trung thu, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng tiến hành lấy các mẫu bánh để kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng về cách lựa chọn và sử dụng bánh trung thu.
Cụ thể, người tiêu dùng nên chọn mua bánh tại những cửa hàng uy tín, có trang thiết bị che đậy cẩn thận. Sản phẩm phải có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng. Khi mua bánh, người tiêu dùng nên tìm hiểu cách sử dụng cảm quan để đánh giá, chẳng hạn quan sát sản phẩm không bị biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, mốc và có mùi khác lạ.
“Người dân tuyệt đối không mua các loại bánh trung thu “siêu rẻ” hay giảm giá trên mạng mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay những sản phẩm trôi nổi, hàng lậu. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần bảo quản, sử dụng bánh theo hướng dẫn ghi trên bao bì của sản phẩm và lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất”, ông Đặng Thanh Phong lưu ý.
K.L (T/h) - Pháp luật Plus