Quy luật cuộc sống hiện đại là pháp luật quan trọng với mỗi người như hơi thở, như dưỡng khí.
Trên đời, từng không có gì bị người đời “dửng dưng” như không khí, như hơi thở. Theo thống kê khoa học, một người trưởng thành trong trạng thái nghỉ ngơi thở khoảng 16 nhịp mỗi phút, hay 23 ngàn nhịp thở mỗi ngày.
Quen thuộc quá, nên có khi hơi thở bị “coi thường”. Thế nên phải đến khi vướng vào bệnh tật, bị khó thở, người ta mới biết quý giá nâng niu trân trọng từng hơi thở. Muốn biết giá trị của mỗi hơi thở, hãy hỏi những bệnh nhân từng vượt qua “cửa tử” Covid-19, mới hiểu cảm giác hơi thở là một trong những điều quý giá nhất trên đời.
“Pháp luật”, cũng bị không ít người “dửng dưng” như thế, dù trong thế giới hiện đại, pháp luật bao trùm điều chỉnh mọi mối quan hệ xã hội, rộng khắp và quan trọng như bầu không khí. Muốn biết giá trị của tuân thủ pháp luật, hãy hỏi những người đã từng lỡ lầm vướng vào vòng lao lý.
Mới đây, một cán bộ cấp cao đứng đầu một tỉnh phía Nam, sau khi vướng sai phạm trong quản lý sử dụng đất, đã chua xót đúc kết dặn dò cấp dưới nhiều lần trong một cuộc họp trước khi bị bắt: “Quan trọng nhất trong công việc là hiểu, đối chiếu, thực hiện đúng pháp luật”.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, người để lại dấu ấn trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), kể lại, ngày ông còn học ở Liên Xô (cũ), có Ngày Hiến pháp là ngày lễ người lao động được nghỉ làm, ông tìm hiểu thấy trên thế giới đã có khoảng 40 nước có Ngày Pháp luật.
Khi ông về nước, lúc Quốc hội thông qua Hiến pháp 1980, khắp nơi giăng lên khẩu hiệu tuyên truyền: “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”. Khẩu hiệu đó vẫn còn phổ biến đến bây giờ.
“Thế nhưng, mấy chục năm trôi qua, nhất là từ Đổi mới 1986, đất nước đẩy mạnh pháp trị và từ năm 1991, với Cương lĩnh của Đảng, chúng ta chuyển tiếp sang xây dựng Nhà nước pháp quyền mà tình trạng thiếu hiểu biết pháp luật, “đói” pháp luật và tệ hại hơn là biết, nhưng vi phạm pháp luật thì hầu như chuyển biến rất chậm, thậm chí có mặt nghiêm trọng hơn”, đó là nỗi trăn trở của ông Cường.
Chính phủ đã trình và ngày 20/6/2012, Quốc hội đã lần đầu tiên thông qua Luật PBGDPL, trong đó nêu rõ 9/11 là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trưởng ban soạn thảo đạo luật này cho biết: “Có Ngày Pháp luật để ai cũng phải nhớ, tôn vinh pháp luật, tự ngẫm về sự hiểu biết pháp luật, về ý thức thượng tôn pháp luật của mình. Nếu thấy thiếu hiểu biết hoặc vi phạm pháp luật thì cũng tự mình ngẫm nghĩ mà bổ khuyết, sửa đổi. Khi đó, toàn xã hội mới tốt hơn, ổn định hơn, phát triển hơn; việc thực thi pháp luật sẽ đỡ tốn kém hơn”.
Bước sang kỷ nguyên Nhà nước pháp quyền XHCN, yếu tố pháp trị là quan trọng bậc nhất, và yếu tố toàn dân hiểu biết tuân thủ pháp luật cũng quan trọng không kém. Đảng ta đã khẳng định vấn đề này trong Kết luận 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 1521/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, trong đó nêu rõ các mục đích yêu cầu, nhiệm vụ giải pháp của từng Bộ ngành, từng địa phương.
Định hướng chính sách đã đầy đủ rõ ràng, điều mà các Bộ ngành địa phương cần làm, là nghiên cứu sáng tạo ra những hình thức phổ biến giáo dục pháp luật mới, sáng tạo, để thúc đẩy hình thành một xã hội mà mọi người dân đều đam mê tìm hiểu tuân thủ pháp luật; để ai cũng ý thức được quy luật cuộc sống hiện đại là pháp luật quan trọng với mỗi người như hơi thở, như dưỡng khí.
Minh Khang - Pháp luật Plus