Tuyến đường sắt đô thị số 5 sẽ kết nối với đường sắt đô thị số 2, đoạn Cát Linh - Hà Đông.
Quyết định chủ trương đầu tư dự án bao gồm 14 phần nội dung thẩm định, trong đó nổi bật là sự cần thiết đầu tư, các điều kiện để thực hiện đầu tư; dự báo nhu cầu, phạm vi phục vụ và dự kiến mục tiêu đầu tư, quy mô và hình thức đầu tư; đánh giá về việc phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật chính; phân tích, lựa chọn sơ bộ các phương án đầu tư và quy mô các hạng mục đầu tư; đánh giá xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn; tiến độ dự kiến thực hiện dự án…
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 65.404 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách thành phố Hà Nội, được đầu tư một lần, không thực hiện phân kỳ đầu tư. Dự án được dự nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, có thể cân đối bố trí bổ sung giai đoạn 2026-2030.
Tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1435mm, điện khí hóa với chiều dài 38,43km (6,5km đi ngầm; 2km đi trên cao và 29,93km đi trên mặt đất) với 21 nhà ga. Trong đó, có 6 ga ngầm gồm: Quần Ngựa, Kim Mã, Vành đai 1, Vành đai 2, Hoàng Đạo Thúy, Vành đai 3; 1 ga trên cao (ga Tây Mỗ) và 14 ga mặt đất: Lê Đức Thọ, Mễ Trì, An Khánh 1, An Khánh 2, Song Phương, Sài Sơn, Quốc Oai, Ngọc Mỹ, Đồng Bụt, Đồng Trúc, Đồng Bãi, Tiến Xuân, Trại Mới, Thạch Bình.
Dự án bố trí 2 đề pô, trong đó đề pô số 1 bố trí tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức với diện tích khoảng 18ha. Đề pô số 2 bố trí tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất với diện tích khoảng 6,9ha.
Dự kiến số lượng phương tiện cần thiết cho từng thời kỳ là 26 đoàn tàu (4 toa) vào năm 2025; 37 đoàn tàu (4 toa) vào năm 2035; 38 đoàn tàu (6 toa) vào năm 2050. Trong các bước nghiên cứu tiếp theo sẽ tiếp tục làm rõ phương án tổ chức chạy tàu phù hợp với nhu cầu vận tải, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Việc đầu tư tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc sẽ hình thành tuyến đường sắt đô thị hướng tâm trong tổng thể quy hoạch theo Quyết định 519/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dự án đi qua các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất.
Một phần tuyến chạy dọc theo khu vực trung tâm tập trung dân cư cao, đoạn tuyến còn lại đi qua các khu đô thị đang phát triển, đặc biệt là đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Hướng tuyến kết nối phía Tây của thành phố với đô thị trung tâm, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô, đồng bộ di dời các cơ quan, trụ sở… và kéo theo phát triển kinh tế các huyện còn khó khăn để cùng phát triển.
Tuyến số 5 hình thành sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến đường sắt đô thị số 2, 3, 4, 6, 7, 8, cho phép hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ các khu vực ngoại ô vào trung tâm thành phố.
Đồng thời, hiệu quả của dự án sẽ tác động tới việc thúc đẩy sự phát triển đô thị ngoài trung tâm, góp phần cơ cấu, sắp xếp, phân bổ lại dân cư vùng đô thị lõi, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuấn Lương - Hà Nội mới