Khó xác định tội danh tham nhũng trong án kinh tế

12/11/2019 10:33

Kinhte&Xahoi Thời gian qua có nhiều vụ án lớn liên quan đến yếu tố vụ lợi hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng nhiều “quan tham” trong các vụ án này không bị xử lý về hành vi tham ô, nhận hối lộ... Thực tế này đã khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng do pháp luật bất cập hay nguyên nhân nào khác?

TAND tỉnh Phú Thọ Xét xử các bị cáo trong vụ án "đánh bạc nghìn tỷ".

Còn tồn tại, bất cập 

Lý giải hành vi đưa và nhận hối lộ rất khó chứng minh, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, loại tội phạm này thường có nhiều thủ đoạn đối phó và che giấu tinh vi, trong khi đó hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng lại chưa đáp ứng yêu cầu.

Đúng như nhận định của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Hiện nay hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng không còn đúng nghĩa là “chuyên trách về chống tham nhũng” như yêu cầu đặt ra của Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN).

Ngoài ra, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về PCTN còn không ít bất cập, gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan tố tụng trong quá trình chứng minh hành vi vụ lợi, tham nhũng. Các quy định về xử lý hình sự hành vi tham nhũng chưa thống nhất, dẫn đến việc xử lý chưa tương xứng, thậm chí có vụ việc còn “hành chính hóa” quan hệ hình sự.

“Điều cần lên án là đạo đức công vụ của một số cán bộ có chức, có quyền đang có vấn đề. Nhiều cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật do không nêu cao tinh thần “phụng công thủ pháp” nên rất dễ bị mua chuộc. Ví dụ, trong khi anh đang điều tra, xét xử hành vi tham nhũng của những đối tượng phạm tội thì anh lại nhận hối lộ của những đối tượng này.

Thành ra, hành vi (của cán bộ đương chức) nhận hối lộ của những đối tượng đã nhận hối lộ cứ thế tiếp diễn… Điều này giải thích vì sao một số vụ án có dấu hiệu tham nhũng nhưng khi đưa ra Tòa án thì chẳng bị cáo nào bị xét xử về tội Nhận hối lộ hoặc Đưa hối lộ cả”- vị luật sư này nhận xét.

Trong bức tranh toàn cảnh đó, gần đây việc một vụ án kinh tế lớn xảy ra tại Công ty Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu AVG được cơ quan tố tụng chứng minh cụ thể yếu tố tham nhũng và làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ đã đáp ứng được phần nào mong đợi của nhân dân.

Trong vụ án này, hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã bị khởi tố về tội Nhận hối lộ. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phải thốt lên rằng: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam, các bị cáo trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền lớn đến như vậy. Điều này cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều cố gắng trong việc đấu tranh, thuyết phục để các bị cáo thừa nhận hành vi”. 

Tuy nhiên, theo đại biểu này, trên thực tế vẫn còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý về tội phạm kinh tế...

Chẳng hạn trong vụ án đánh bạc nghìn tỉ qua mạng internet liên quan đến các tướng công an. Một số đối tượng chính và đồng bọn - ngoài việc bị điều tra về tội danh đánh bạc, tổ chức đánh bạc - còn bị khởi tố về hành vi đưa hối lộ, nhưng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ sau đó lại ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự về tội Đưa hối lộ do được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước? 

Hoàn thiện thể chế, luật pháp
 
Lấy ví dụ về các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng trái phép, nhiều ý kiến nhận định: Để xảy ra sai phạm trong trật tự xây dựng tại các đô thị lớn là do có sự tiếp tay của những người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, đặc biệt là tiêu cực của cán bộ có chức năng thanh tra xây dựng.

 Nhiều vụ án có động cơ vụ lợi, nhưng không có đối tượng nào bị truy tố về tội Nhận hối lộ.  (Ảnh minh họa)

Nhiều tòa nhà cao vài chục tầng xây dựng sai quy hoạch, sai thiết kế... diễn ra trong thời gian dài, nhưng chẳng thấy cơ quan chức năng có động tĩnh gì. Chỉ khi có đơn tố cáo, báo chí phanh phui thì những cơ quan này viện đủ mọi lý do để thoái thác và đá “quả bóng” trách nhiệm cho cơ quan khác.

Dư luận cho rằng, nếu không có sự bao che, tiếp tay của cán bộ có thẩm quyền, hay nói cách khác là nếu không có hành vi đưa và nhận hối lộ thì không thể có các công trình xây dựng vi phạm ngang nhiên tồn tại, thách thức pháp luật như vậy. Ngay cả người đứng đầu các cơ quan chức năng này hầu như đều bình an vô sự vì chẳng ai chứng minh họ có hành vi tham nhũng, tiêu cực hay không, trừ trường hợp bị bắt quả tang.

Đây không phải là vấn đề mới, từ nhiều năm trước, phát biểu tại một hội nghị toàn quốc về công tác PCTN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì trước hết phải chống tham nhũng ngay trong chính các cơ quan chống tham nhũng. 

Tuần trước, khi thảo luận tại hội trường Quốc hội về công tác PCTN, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nêu thực tế chua xót: “Tham nhũng trong lực lượng có chức năng chống tham nhũng tăng so với năm 2018, gây bức xúc trong dư luận”.

Cùng với đó, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý. Vẫn chưa tách bạch rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có hành vi tham nhũng để tăng cường các giải pháp thực hiện…

Khắc phục những hạn chế trên, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc nâng cao đạo đức công vụ và xử lý nghiêm những cán bộ tiếp tay hoặc bao che cho hành vi tham nhũng, thì việc hoàn thiện thể chế về PCTN là vô cùng quan trọng. Cơ quan chức năng phải thường xuyên tổng kết, rà soát và đưa ra danh mục những quy định pháp luật còn thiếu, dễ bị lợi dụng..., từ đó tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Đồng thời, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao phải đánh giá hiệu quả hoạt động của những đơn vị này để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm các đơn vị này thực sự là “cơ quan chuyên trách” về chống tham nhũng.


“Số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình… Đáng lưu ý, số trường hợp phát hiện yếu tố tham nhũng, vụ lợi trong các vụ án kinh tế còn ít, chưa phản ánh đúng bản chất, động cơ, mục đích của người phạm tội”.

(Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về Báo cáo công tác PCTN năm 2019 của Chính phủ). 



 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhiều bệnh viện tuyến trên ở TP HCM quá tải

Trước việc người dân phản ánh tại các Bệnh viện tuyến trên ở TP HCM (Bệnh viện 115, Phạm Ngọc Thạch…) quá tải thường xuyên xảy ra, người dân gặp khó khăn trong việc khám chữa bệnh, đặc biệt các trường hợp bệnh nhiễm trùng, lây nhiễm, mới đây, Sở Y tế TP HCM đã có phản hồi.

Tăng thêm sức mạnh của 'Thượng phương bảo kiếm'

Với quyết tâm chống tham nhũng (PCTN) “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (Ban Chỉ đạo) và Ban Nội chính Trung ương.

Nguồn: Pháp luật Plus