Rồi bỗng một ngày nào đó, chợt nhận ra việc làm ấy, cách gọi ấy là không đúng, thậm chí phản cảm, cần phải thay đổi.
Có lẽ vì thế, mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có một quyết định hoàn toàn chính xác. Đó là “từ nay tới ngày 27/7, tất cả các bia liệt sĩ còn ghi là vô danh đều phải khắc lại tên mới là liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.
Thật ra thì “vô danh” là từ Hán - Việt, nó có nghĩa là “không tên”.
Thế nhưng thực tế, với các Liệt sĩ, những người đã hi sinh thân mình vì dân, vì nước thì không có ai là “vô danh”. Họ chỉ là chưa (và có thể không) xác định được tên thôi.
Một điều nữa khó có thể chấp nhận, đó là trong ngôn ngữ đời sống, từ “vô danh” còn mang nghĩa không hay, kiểu “vô danh, tiểu tốt” hay loại người “vô danh tính”…
Thật ra, nếu chỉ thay đổi cách gọi, nó có vẻ như “sáo rỗng”, nói suông.
Thực tế là từ mấy năm gần đây, công tác đền ơn, đáp nghĩa được Đảng, Nhà nước, Nhân dân hết sức quan tâm và cơ quan trực tiếp thực hiện là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang nỗ lực rất nhiều.
Hàng ngàn mộ liệt sĩ đã được xác định ADN, đưa về quê hương theo nguyện vọng của gia đình.
Hàng ngàn hồ sơ tồn đọng người có công mà có những trường hợp cách đây gần 1 thế kỉ (85 năm) đã được xác nhận.
Những người có công, những gia đình chính sách luôn nhận được sự quan tâm cả tinh thần và vật chất.
Mới đây nhất, trong gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, cùng với những trường hợp khó khăn do dịch bệnh, thương binh và thân nhân người có công hưởng chính sách trợ cấp thường xuyên cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Theo con số từ Bộ LĐTBXH, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 138.400 mẹ. Tới nay, hơn 5.000 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống ở các tỉnh, thành phố khác nhau.
Phần lớn các Mẹ đều đã cao tuổi, thời gian chỉ còn tính bằng năm, bằng tháng, thậm chí bằng ngày (thực tế thì 3 tỉnh đã không còn Mẹ Việt Nam anh hùng nào còn sống).
Để tri ân các Mẹ, theo dự kiến, sắp tới đây, trong dịp 27/7, tất cả các địa phương sẽ tập trung tổ chức gặp mặt và sẽ có cuộc “gặp gỡ’ lịch sử ở Trung ương với 350 Mẹ.
Tiếc rằng do một số khó khăn, nhất là sức khỏe của các Mẹ, chúng ta không thể đón được tất cả các Mẹ còn sống về dự gặp mặt ở Trung ương.
Trở lại với việc khắc lại trên bia mộ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Những người đã chiến đấu và hy sinh vì đất nước đều có danh tính cụ thể, như họ và tên, năm sinh, quê quán. Vì những điều kiện khác nhau, chúng ta chưa xác định lại được thông tin của các liệt sĩ. Do vậy cần thống nhất tên trên những tấm bia này là liệt sĩ chưa xác định được thông tin, không nên để là “vô danh”. Ông Dung nói.
Thật ra, việc “trả lại tên” cho các Liệt sĩ, tưởng là chuyện không lớn, nhưng đây là việc làm có ý nghĩa sâu sắc, nó thể hiện cái tâm “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” vốn là đạo lý của dân tộc và cũng là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.
Vâng, các Anh hùng Liệt sĩ không ai là vô danh cả và họ sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam hôm nay và mai sau.
Họ là những người anh hùng “Liệt sỹ chưa xác định được thông tin" mà thôi.
Bùi Hoàng Tám