Lao động gắn với phòng, chống dịch Covid-19
Kinhte&Xahoi
Trong những ngày đầu năm mới 2022, các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bắt đầu hoạt động với không khí nhộn nhịp, khẩn trương. Song song với việc đẩy nhanh tiến độ, các chủ đầu tư và nhà thầu đã thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch Covid-19, để bảo đảm an toàn cho công nhân lao động trên các công trường.
Thi công xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3. Ảnh: Đỗ Tâm
Không chủ quan với dịch bệnh
Từ mùng 7 Tết Nguyên đán Nhâm Dần, hơn 500 kỹ sư, công nhân của 8 nhà thầu đã khẩn trương bắt tay vào thi công tại 5/5 gói thầu xây lắp của Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2. Trong số đó, gói thầu số 1 thi công hạng mục phức tạp nhất là vượt sông Hồng do liên danh nhà thầu Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Trung Chính thi công đã khắc phục khó khăn địa chất phức tạp của lòng sông để bám sát tiến độ công trình.
Ông Hoàng Đình Luân, cán bộ kỹ thuật của nhà thầu Vinaconex cho biết, dù tỷ lệ tiêm vắc xin cho công nhân đã bảo đảm, song mỗi người lao động đều không lơ là, chủ quan trước dịch Covid-19. Chia sẻ về việc này, anh Nguyễn Thành Công, một công nhân trên công trường cho biết, mỗi khi vào ca làm việc, công nhân đều khai báo y tế, đo thân nhiệt và đeo khẩu trang... Đó là những yêu cầu được tuân thủ nghiêm túc để bảo đảm an toàn, không ảnh hưởng tới tiến độ công trình.
Đúng sáng 8-2 (mùng 8 Tết), hơn 400 lao động đã đồng loạt ra quân trên 5 mũi thi công của công trường dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng. Dự án do Tập đoàn Vingroup - Công ty CP là nhà đầu tư.
Dù mới trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, nhưng các mũi đều thi công 3 ca liên tục. Ghi nhận trên công trường, đoạn tuyến trên cao Ngã Tư Vọng - cầu Vĩnh Tuy trong các ngày 11 và 12-2, tiến độ thi công đang được đẩy nhanh với sự làm việc hối hả của công nhân. Mỗi lao động đều trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động, thực hiện tốt "5K" theo quy định.
Tương tự, trong những ngày này, gần 400 công nhân thi công xây dựng tại công trường xây dựng Dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) do Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội làm chủ đầu tư cũng đang gấp rút làm việc. Đây là một trong những công trình trọng điểm của thành phố nhằm giải quyết công tác xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Tuy gấp gáp để đúng tiến độ nhưng công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại đây được thực hiện rất đầy đủ. Hiện tại, 100% công nhân đều đã tiêm từ 2 đến 3 mũi vắc xin phòng, chống dịch. Cán bộ, công nhân đều được đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Đồng thời, Công ty định kỳ tổ chức xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu của UBND huyện Sóc Sơn.
Công nhân tại công trường Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Đẩy nhanh tiến độ
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 là một trong những dự án giao thông trọng điểm, cấp bách của Thủ đô. Thời gian qua, Ban Quản lý dự án đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị thi công 3 ca liên tục, bảo đảm đúng quy định phòng, chống dịch bệnh và đến nay khối lượng trên công trường ước đạt khoảng 45%.
Còn theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup Phạm Văn Cương, Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng được khởi công ngày 22-4-2018. Đến nay, toàn bộ gói thầu của dự án đều đáp ứng tiến độ. Dự kiến, dự án sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến trong năm 2022; hoàn thành bàn giao và đưa vào khai thác trong năm 2023. Các đơn vị liên quan phấn đấu rút ngắn tiến độ khoảng 10-11 tháng so với yêu cầu và để đạt mục tiêu này, đơn vị luôn gắn công tác thi công với an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Cũng với tinh thần chủ động trong phòng, chống dịch Covid-19, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội Đỗ Tiến Dũng cho hay, Công ty đã xây dựng phương án phòng dịch tại công trường xây dựng Dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn và phương án này đã được UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt. Công ty cũng phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn, UBND xã Nam Sơn trong công tác kiểm tra, phòng chống dịch Covid-19 tại công trường; bố trí sẵn sàng phòng cách ly tạm thời để xử lý tình huống đột xuất.
Ở góc độ toàn thành phố, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 5.000 công trình xây dựng đang thi công. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, tất cả các công trình đều phải có phương án phòng, chống dịch Covid-19 và nhiều chủ đầu tư thực hiện tốt yêu cầu này...
Có thể thấy, các chủ đầu tư, nhà thầu đều coi việc bảo đảm an toàn với dịch Covid-19 là điều kiện quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thi công. Tinh thần này cần tiếp tục duy trì để đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới...
Nhóm PV - Hà Nội mới