Mùi 'lợi ích nhóm'

08/06/2019 09:23

Kinhte&Xahoi Việc doanh nghiệp biến bãi biển thành sân sau của mình khiến người ta liên tưởng đến doanh nghiệp ấy là “sân sau” của ai đó, có mùi “lợi ích nhóm” ở đây. Vì thế, thu hồi dự án, di dời công trình, giải phóng đường xuống biển không chỉ là cách ứng xử văn hóa với không gian biển mà đó là sự ứng xử với nhân dân, đất nước.

Toàn cảnh khu lấn biển khu vực Mũi Tấn (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định)

Những bãi biển tuyệt đẹp của đất nước chúng ta có nguy cơ bị che chắn, chia năm, xẻ bảy, thậm chí bị “tư nhân hóa” đã hiện hữu. Các “cuộc chiến” từ người dân chỉ để giành một lối đi xuống biển đã xảy ra, có chính quyền địa phương đã hứa sẽ “lấy lại đường xuống biển cho dân” nhưng thực hiện và hiện thực vẫn còn đâu đó.

Vì thế, vừa qua tỉnh Bình Định quyết định di dời 3 khách sạn chắn biển đã được dư luận hoan nghênh nhiệt liệt. Đây là động thái có phần quyết liệt nhưng cũng rất dũng cảm của một chính quyền địa phương khi phải đương đầu với lợi ích rất lớn của các doanh nghiệp chủ các khách sạn này.

Thực ra, đây cũng chỉ là việc sửa sai những sai lầm mà nhiệm kỳ trước để lại khi quyết định cấp đất và cho phép xây dựng những công trình đó. Nhiệm kỳ trước cũng đã bỏ rất nhiều công sức vào đó, từ việc “chạy” chủ trương đến phê duyệt và các doanh nghiệp cũng đã tốn rất nhiều công của để có một vị trí đắc địa đến như thế.

Tuy nhiên, rõ ràng đây là một sai lầm trong cách ứng xử với không gian biển, không chỉ làm mất đi cảnh quan và vẻ đẹp mà còn tước đi quyền sở hữu chung của người dân địa phương và du khách. Sửa sai, biết là khó khăn, đụng chạm, thiệt hại nhưng vẫn quyết tâm làm, rất đáng cổ vũ bởi đó là việc làm đúng đắn, đem lại lợi ích cho nhiều người và cả quốc gia, dân tộc.
 
Việc “lấy lại không gian biển” ở Bình Định buộc những địa phương, đặc biệt là các thành phố có biển phải suy nghĩ, học tập và làm theo. Rất nhiều địa phương đã để tình trạng bãi biển bị xâm lấn, chiếm hữu, xây dựng công trình,... và vấp phải sự phản đối của nhân dân và dư luận.

Có địa phương như Nha Trang, có quyết định thu hồi một dự án có đến 26.000 m2 bãi biển mà từ năm 2016 đến giờ vẫn nhùng nhằng chưa xong bởi rất nhiều lý do làm chậm tiến độ. Dẫn chứng như thế để thấy việc “lấy lại không gian biển” khó khăn như thế nào, đặc biệt với những công trình xây dựng kiên cố trên đất được thuê tối đa chỉ 50 năm.

Việc doanh nghiệp biến bãi biển thành sân sau của mình khiến người ta liên tưởng đến doanh nghiệp ấy là “sân sau” của ai đó, có mùi “lợi ích nhóm” ở đây. Vì thế, thu hồi dự án, di dời công trình, giải phóng đường xuống biển không chỉ là cách ứng xử văn hóa với không gian biển mà đó là sự ứng xử với nhân dân, đất nước.

 Theo Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM