Ảnh minh họa.
Công đoàn dẫn nội dung Nghị quyết 101 của Quốc hội năm 2019, "giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường với người lao động thấp hơn 48 tiếng/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp".
Công đoàn kiến nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, cùng các Bộ, ngành sớm nghiên cứu giảm giờ làm của lao động, bảo đảm công bằng với khu vực hành chính nhà nước (40 giờ). Mục tiêu để lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lực, chăm lo cho gia đình.
Luật hiện hành quy định lao động làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8 giờ/ngày và 48 tiếng/tuần. DN có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho lao động biết. Nhà nước khuyến khích DN thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
Ngoài giảm giờ làm, Công đoàn còn kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung 2 ngày nghỉ Lễ dịp Quốc khánh, từ 2 - 5/9 hàng năm.
Công đoàn đồng thời kiến nghị khi sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2019, cần quy định mỗi năm người sử dụng lao động dành ít nhất 1 ngày để người lao động được học tập chính trị, pháp luật, khuyến khích các đơn vị thương lượng để có nhiều hơn 1 ngày.
Thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) năm 2019, cho thấy Việt Nam có số giờ làm việc thuộc nhóm cao ở Đông Nam Á, trong khi ngày nghỉ lễ thuộc nhóm thấp nhất. Tính riêng thời gian làm việc trong năm của người Việt khoảng 2.320 giờ, thấp hơn Philippines, Malaysia, Thái Lan và cao hơn Singapore, Indonesia, Lào và Campuchia.
Việt Nam có 12 ngày nghỉ phép khởi điểm, thuộc nhóm trung bình, thấp hơn Lào, Campuchia, Indonesia và cao hơn Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines. Nghỉ lễ, Tết của Việt Nam 11 ngày, bằng với Singapore nhưng thuộc nhóm thấp nhất Đông Nam Á.
Công đoàn không đồng tình quan điểm "nghỉ nhiều sẽ làm giảm năng suất lao động", bởi cho rằng trong thời đại hiện nay, con người chỉ quyết định một phần năng suất, còn lại cần DN đầu tư máy móc, khoa học công nghệ, đổi mới cách thức quản lý.
Giảm giờ làm nữa hay không, nghỉ thêm dịp Quốc khánh hay không, không đơn giản chỉ là động thái ra một quyết định, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ chuyện các DN có đồng thuận hay không, có ảnh hưởng tới sự vận hành của nền kinh tế hay không, có giúp tăng trưởng các ngành dịch vụ hay không…
Và quan trọng nhất, như lập luận của Công đoàn, giảm giờ làm tăng ngày nghỉ hướng tới mục tiêu tái tạo sức lao động cho người lao động, đi theo quy luật của thế giới là người lao động nghỉ ngơi nhiều hơn để máy móc làm việc nhiều hơn.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng những đề xuất này của Công đoàn là rất hợp lý và sẽ được Chính phủ, Quốc hội xem xét, cân nhắc, thông qua. Việc bây giờ cần làm là chuẩn bị những điều kiện, lộ trình để thực hiện những quy định mới trong tương lai sao cho đạt được các mục tiêu đặt ra, bớt gây xáo trộn nhất cho nền kinh tế.
Minh Khang - Pháp luật Plus