Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, một trong rất nhiều cách tạo nguồn thu cho báo chí trong bối cảnh hiện nay là thu phí độc giả. Người ta đã chứng minh tạo nguồn thu từ độc giả mới là nguồn thu có cơ hội gia tăng.
Báo chí không thể trông cậy vào nguồn thu quảng cáo bởi cách thức quảng cáo mới gần như bị chi phối bởi các tập đoàn công nghệ, nguồn thu thuộc về họ và họ định đoạt "cuộc chơi", chúng ta không thể "chạy" theo được.
Tương tự việc dựa vào mạng xã hội với hy vọng thông tin lan tỏa rộng khắp và có được phần chia từ quảng cáo với các mạng xã hội thì mô hình này cũng không khả thi.
Trong báo cáo mới nhất cuối năm 2023 đã khẳng định nếu cơ quan báo chí nào còn đặt mục tiêu trọng tâm dựa vào mạng xã hội để tăng lượng truy cập và doanh thu là không nên.
Mạnh dạn thử nghiệm các mô hình kinh doanh báo chí mới
Thưa ông, nhưng có một số nước đã yêu cầu mạng xã hội trả chi phí cho báo chí, vậy ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của việc này trong tạo nguồn thu cho báo chí?
- Gần đây nhất, Canada đã thương lượng được và dành khoản tiền 100 triệu USD nhưng phân chia khoản tiền này như thế nào cũng là câu chuyện không đơn giản.
Cách đây vài năm, câu chuyện ở Australia cũng dấy lên sự quan tâm, dù bàn cãi nhiều, ở Australia chỉ có tập đoàn lớn mới đáp ứng đủ tiêu chí của Google để chia khoản tiền đó.
Hầu hết các cơ quan báo chí nhỏ không được lợi gì cả. Thỏa thuận mới với Canada hơi khác, theo chúng tôi thấy, kể cả cơ quan báo chí nhỏ cũng được nhận khoản tiền đó song cũng không đơn giản bởi phải đáp ứng nhiều tiêu chí.
Nhà báo Lê Quốc Minh trình bày tham luận trong một Hội thảo.
Từ thực tế ở châu Âu, Australia hay mới nhất là Canada, dù chúng ta đưa ra quy định pháp luật thương lượng tập thể, có sự can thiệp của Nhà nước nhưng chia được khoản tiền này không đơn giản, là con đường dài.
Vậy với thực trạng kinh tế báo chí Việt Nam hiện nay, đâu là giải pháp hiệu quả nhất, thưa ông?
- Điều chúng tôi nhận thấy trong bối cảnh kinh tế báo chí ngày càng khó khăn do rất nhiều lý do khách quan, còn có yếu tố chủ quan là hầu hết các cơ quan báo chí vẫn chỉ trông mong vào nguồn thu quảng cáo và đứng nhìn nó suy giảm mà không có biện pháp khắc phục.
Khi thấy nguồn thu báo in giảm, tìm kiếm cách thức khác; khi nguồn thu từ truyền hình, phát thanh, kể cả digital giảm cần nghĩ biện pháp thay vì chỉ đứng nhìn và gần như bất động, tuyệt vọng nhìn đồng tiền rơi khỏi túi mình.
Chúng ta nhìn thấy rất nhiều mô hình kinh doanh của nước ngoài và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mỗi cơ quan báo chí phải áp dụng tối thiểu từ 3 - 4 mô hình kinh doanh thì mới bảo đảm thành công.
Nếu chỉ loay hoay với quảng cáo ngày càng suy giảm mà không đa dạng hóa nguồn thu thì chắc chắn gặp khó khăn. Tham khảo các mô hình kinh doanh của thế giới nhưng không thử nghiệm, ai cũng lo sợ làm vậy có thành công không?
Liệu mình dựng tường thu phí thì người đọc có chạy hết sang báo khác không nhỉ? Thấy người ta là ecomus (hệ sinh thái - NV) lại lo ngại mình không có năng lực thực hiện?
Thấy người ta có các phương thức phối hợp với các nền tảng thì nghĩ rằng mình quá bé, không đủ sức thương lượng… Lời khuyên của chúng tôi là hãy dựa vào khả năng của mỗi cơ quan báo chí, người ta gọi là “liệu cơm gắp mắm”, phải linh hoạt, thử nghiệm, dám chấp nhận rủi ro.
Trong các báo cáo gần đây, thế giới nêu ra 15 - 16 mô hình kinh doanh khác nhau và có mô hình mà chúng tôi thấy báo chí Việt Nam có thể thử nghiệm được như mô hình tổ chức sự kiện, mô hình cung cấp công nghệ… Hãy thử nghiệm các mô hình kinh doanh báo chí mới, không phải sự thử nghiệm nào cũng thành công nhưng có thể rút ra kinh nghiệm, từ chính những thất bại để có thành công khác sau này.
Mong muốn báo chí thực hiện chuyển đổi số thành công
Về phía cơ quan nhà nước, theo ông cần có sự hỗ trợ nào để phát triển thương hiệu báo chí?
- Thứ nhất, phải khẳng định tự thân cơ quan báo chí là quan trọng, đừng ngồi chờ Nhà nước, Nhà nước có thể hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách nhưng không thể bao cấp mãi, chỉ ở chừng mực nào đó.
Trong giai đoạn khó khăn, có thể trông chờ Nhà nước hỗ trợ về mặt thể chế, chính sách như giảm thuế, không coi báo chí như doanh nghiệp bình thường để áp dụng mức thuế khoảng 18%.
Tuy nhiên, phải có nguồn thu mới nộp thuế. Hiện nay, nguồn thu thấp mà kêu gọi giảm thuế cũng không có tác dụng nhiều. Quan trọng là nghĩ cách để có nguồn thu.
Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện. (Ảnh Tư liệu)
Nguồn thu có thể đến từ nhiều nơi như tham gia truyền thông chính sách một cách hiệu quả, chứ áp dụng cơ chế xin - cho sẽ không có đâu; quảng cáo dù miếng bánh này có teo tóp nhưng vẫn còn, để giành được nó đòi hỏi nỗ lực của mỗi cơ quan báo chí.
Việc tạo ra các sản phẩm mới, hấp dẫn cũng đang là xu hướng của báo chí như tổ chức sản xuất các tập san riêng có ý nghĩa quan trọng với thị trường với cách khai thác, cách viết thu hút người ta bỏ tiền.
Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày BCCMVN, là Chủ tịch Hội Nhà báo, ông gửi gắm mong muốn gì đến báo chí cả nước?
- BCCMVN đã bước vào dấu mốc 99 năm và chỉ còn 1 năm nữa là bước vào dấu mốc rất quan trọng là 100 năm BCCMVN. Như chúng ta đã khẳng định rất nhiều lần, qua thời gian và biến động, gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng sứ mệnh của BCCMVN chưa bao giờ thay đổi.
Đó là phải phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, phải tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cung cấp thông tin tri thức cho người dân để phục vụ cuộc sống và sự phát triển của Tổ quốc.
Báo chí hiện đại đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo liên tục, chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí thực hiện quá trình chuyển đổi số thành công, đổi mới sáng tạo liên tục, cách thức làm báo chuyên nghiệp, đặc biệt phải ngày càng chú trọng chất lượng để có thể giữ độc giả, lôi kéo độc giả mới, thậm chí duy trì vai trò tiên phong trong cung cấp thông tin tri thức cho xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
Xây dựng nền báo chí - truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu phấn đấu của lĩnh vực báo chí, truyền thông, được đặt ra tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số… Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
|
Thục Quyên - Pháp luật Plus