Đối mặt với nhiều tai biến sản khoa
Xuất hiện từ nhiều năm nay, trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” cổ xúy cho những hành vi phản khoa học như: Không khám thai, không cắt rốn trẻ sau sinh, tự sinh con tại nhà, không tiêm vắc xin cho trẻ... Hậu quả là thời gian qua, nhiều bệnh viện đã phải tiếp nhận các sản phụ hoặc trẻ sơ sinh bị tai biến do trào lưu nguy hiểm nói trên.
Tuyệt đối không sinh con tại nhà để tránh rủi ro cho mẹ và bé. Ảnh: Lấy từ Facebook cá nhân N.M về một ca sinh tại nhà ở tỉnh Đắk Nông.
Vài năm trước đây, một sản phụ 34 tuổi ở tỉnh Hưng Yên đã chủ động sinh con tại nhà. Sau đó, sản phụ này phải nhập viện cấp cứu do vỡ tử cung, mất nhiều máu. Các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu, cắt tử cung để cứu sống sản phụ.
Còn cách đây vài tháng, Bệnh viện Nhi trung ương đã cấp cứu một bé gái sơ sinh 7 ngày tuổi, được sinh tại nhà và bị nhiễm khuẩn. Dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng bé không qua khỏi. Trước đó, mẹ bé từng mang thai và sinh con ở bệnh viện. Tuy nhiên, trong lần mang thai thứ hai này, chị theo đuổi trào lưu sinh con lotus birth (sinh sen) được lan truyền trên mạng xã hội. Tới ngày sinh nở, chị tự sinh con tại nhà. Sau khi sinh, trẻ không được cắt dây rốn, người mẹ giữ nguyên cuống rốn và bánh nhau rồi phủ một lớp muối lên trên, ủ cho tới khi cuống rốn teo quắt và tự rụng. Sau khi cuống rốn rụng, cháu bé bị nhiễm khuẩn, suy hô hấp…
Mới đây, giữa tháng 6-2024, một tài khoản Facebook có tên N.M (ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đăng tải bài viết liên quan đến việc sinh đẻ tự nhiên tại nhà, không qua cơ sở y tế của người thân sinh sống tại tỉnh Đắk Nông. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, người đăng bài đã nhận lỗi, đồng thời viết cam kết và gỡ bài.
Trước thực tế nêu trên, các bác sĩ chuyên ngành sản khoa cảnh báo, nếu trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” tại nhà này được chia sẻ rộng rãi sẽ nguy hiểm đối với cả sản phụ và thai nhi.
Theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để bảo đảm an toàn cho mẹ và bé. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Hằng Nga, Bệnh viện Phụ sản trung ương, nếu tự sinh con tại nhà, nguy cơ đầu tiên là với bà mẹ. Nếu đẻ tại nhà, các bà mẹ sẽ phải đối mặt với cơn đau đẻ. Có những cơn đau khiến bà mẹ bị sang chấn tâm lý, suy kiệt nếu không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế, của các trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó, bà mẹ còn phải đối mặt với nguy cơ chảy máu có thể do rách tầng sinh môn, do sót nhau thai, đờ tử cung hoặc vỡ tử cung… Khi chảy máu nhiều, y khoa chẩn đoán là băng huyết sau sinh. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, băng huyết sau sinh có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được xử trí kịp thời.
Còn đối với thai nhi, bác sĩ Đỗ Thị Hằng Nga cho rằng, khi trẻ được sinh tại nhà, không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế, trẻ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra như: Suy thai, trẻ bị sa dây rốn… Đây là những tình huống cấp cứu tối sản khoa, nếu không được xử lý kịp thời thì trẻ sẽ có thể bị tử vong.
Thậm chí, nếu thai hơi to một chút, hoặc khung chậu của mẹ bị giới hạn thì nguy cơ khi đẻ, bé có thể bị mắc vai, gãy xương đòn… Đây là những tình huống thông thường hoàn toàn có thể xảy ra mà người mẹ không thể biết được. Chưa kể, nếu bà mẹ nằm trong nhóm thai kỳ nguy cơ cao như: Tăng huyết áp, tiền sản giật, tim mạch… hay thai bị ngôi ngang, ngôi không thuận, song thai… còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, gây nguy cơ tử vong cho cả mẹ và bé.
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Diêm Thị Thanh Thủy, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội lưu ý, những tai biến sản khoa luôn rình rập và có thể cướp đi sinh mạng của mẹ và bé bất cứ lúc nào nếu nhân viên y tế sơ suất, chứ chưa nói đến việc không được kiểm soát, tự sinh tại nhà…
Cần phải được chấm dứt
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong hơn 30 năm qua, tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm trên 5 lần, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 44/100.000 trẻ đẻ sống năm 2023; tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi đều giảm gần 4 lần… Để có được kết quả này, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Y tế cùng các bộ, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai nhiều chương trình, đưa ra nhiều giải pháp can thiệp về chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng.
Thế nhưng, trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” được khởi xướng và lan truyền thời gian qua gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé, đồng thời, đe dọa đến các nỗ lực của ngành Y tế và các địa phương trong việc giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.
Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) nhấn mạnh, trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” phản khoa học, có rất nhiều tác hại đến sức khỏe của mẹ và bé, cần phải được chấm dứt. “Hiện, chúng tôi vẫn theo dõi sát sao, phối hợp các cơ quan liên quan và các địa phương để có những giải pháp, hướng xử lý phù hợp trước sự việc này”, ông Đinh Anh Tuấn nói.
Trẻ sinh ra mạnh khỏe tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và được chăm sóc sau sinh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo, quán triệt đến các đơn vị có liên quan cần tăng cường quản lý thai, chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ, chăm sóc sau sinh tại địa phương, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở nhằm hạn chế tối đa tình trạng đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ. Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân cố tình cổ vũ, quảng bá phương pháp sinh đẻ phản khoa học, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân theo quy định của pháp luật.
Để sinh con an toàn và mạnh khỏe, bác sĩ Đỗ Thị Hằng Nga khuyến cáo, sự can thiệp, hỗ trợ của nhân viên y tế giúp làm giảm tỷ lệ tử vong của sản phụ và trẻ sơ sinh, giúp mẹ và bé mạnh khỏe trong tương lai. Có nhiều vấn đề liên quan đến việc sinh con thuận tự nhiên theo khoa học nên áp dụng, như để trẻ được da kề da với mẹ sau sinh, cho con bú sữa mẹ… Tuy nhiên, tất cả việc sinh nở tại nhà theo trào lưu được giới thiệu trên mạng xã hội không phải là sinh thuận tự nhiên mà là thiếu hiểu biết. Bởi vậy, những sản phụ tuyệt đối không nên tin, nghe theo những lời chia sẻ phản khoa học, tránh gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Thu Trang - Hà Nội mới