Tháo gỡ từng “nút thắt”, nỗ lực hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế
Kinhte&Xahoi
Hà Nội đang bước vào giai đoạn gấp rút đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của năm 2021 trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Với quyết tâm bứt phá khỏi sự đình trệ, các Sở, ngành TP đang khẩn trương tháo gỡ các “nút thắt” cho doanh nghiệp. Song song đó, các quận, huyện, thị xã nhanh chóng lên kế hoạch khôi phục kinh tế, với quyết tâm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu của năm.
Phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đề ra
9 tháng năm 2021, Hà Nội triển khai nhiều đợt giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Việc này khiến TP không tránh khỏi thiệt hại về kinh tế. Quý III, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội ước tính giảm 7,02% so với cùng kỳ năm ngoái; Việc giải ngân vốn đầu tư công cũng bị ảnh hưởng nặng nề, toàn thành phố chỉ giải ngân được 15.779,698 tỷ đồng, đạt 34,1% kế hoạch thành phố giao sau điều chỉnh và đạt 37,8% kế hoạch Thủ tướng giao. Đáng lưu ý, có 7 quận, huyện, thị xã thực hiện các dự án nhiệm vụ chi thành phố có tỷ lệ giải ngân dưới 10%, trong đó có quận Hoàng Mai.
Các doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì sản xuất, đảm bảo “mục tiêu kép”
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, kinh tế của quận 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 4,28% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số tăng trưởng của các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp đều đạt thấp so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, quận Tây Hồ cũng gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế. 9 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh của quận chỉ đạt 49,9% so với kế hoạch năm; Doanh thu thương mại, dịch vụ, du lịch mới đạt 48,8% so với kế hoạch.
Một số huyện như Thanh Trì, Chương Mỹ, Đan Phượng, tuy đạt tốc độ tăng trưởng dương, song vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra do tác động của dịch bệnh.
Trước thực tế trên, linh hoạt thích ứng trong giai đoạn mới, Hà Nội đang từng bước chuyển trạng thái từ “không Covid” sang kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh như Chính phủ chỉ đạo. Các hoạt động sản xuất kinh doanh thời điểm này phải hoạt động hết công suất để bù lại thời gian trước.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, những tháng cuối năm, quận sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch năm 2021 đã đề ra. Trong đó, quận sẽ tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặc dù vẫn đạt tốc độ tăng trưởng dương trong 9 tháng năm 2021, song các huyện Chương Mỹ, Đan Phượng, Thanh Trì… cũng đã nhanh chóng lên kế hoạch phục hồi đà tăng trưởng và ứng phó linh hoạt với diễn biến của dịch bệnh. Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, cùng với việc tiếp tục duy trì hoạt động các “pháo đài" chống dịch tại 16 xã, thị trấn, huyện sẽ tập trung triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường để các doanh nghiệp và người dân khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Trong khi đó, huyện Chương Mỹ đã có phương án tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, mời gọi và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn; Triển khai các chương trình khuyến công; Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm song hành với quảng bá du lịch.
Theo dõi sát sao “sức khỏe” của doanh nghiệp
Quyền Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công thương đã cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế trong lĩnh vực công thương. Với ngành công nghiệp, Sở sẽ tập trung hỗ trợ 250-300 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ làng nghề tìm kiếm thị trường; Triển khai các chương trình khuyến công đã được phê duyệt...
Sở cũng sẽ tiếp tục bảo đảm hàng hóa cho chống dịch trong trạng thái mới; Triển khai các sự kiện kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại; Khởi động lại các trung tâm thương mại, chợ phải đóng cửa vì dịch Covid-19...
Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Mai Sơn cho hay, trong 3 tháng còn lại đơn vị theo dõi sát sao hoạt động sản xuất kinh doanh, “sức khỏe” của doanh nghiệp; Tiếp tục đánh giá tác động từ việc áp dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để dự báo mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách. Từ đó, chủ động xây dựng các kịch bản thu ngân sách nhà nước theo từng tuần, tháng, quý để kịp thời đề ra giải pháp thu ngân sách phù hợp với từng giai đoạn.
Trong tháng 9/2021, Hà Nội đã có 922 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 161% so tháng trước. Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động giảm mạnh so với tháng 8/2021.
Tại hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP trong bối cảnh dịch Covid-19 mới đây, lãnh đạo thành phố đã trực tiếp giải đáp nhiều vướng mắc của doanh nghiệp với phương châm không chờ đợi.
Đây là dịp để các cấp, ngành nắm chắc thực trạng khó khăn của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, sớm đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới.
Hiện, TP đang tập trung chỉ đạo rà soát tổ chức bộ máy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục những vấn đề chồng chéo để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Đồng thời, TP thành lập bốn tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Khó khăn về thủ tục hành chính; Khó khăn trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, đô thị; Bảo đảm nguồn thu, thúc đẩy giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản.
Tất cả nhằm gỡ các “nút thắt”, huy động các nguồn lực trong xã hội, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2021 của thành phố ở mức cao nhất.
Huy Dương - TTTĐ