Ảnh minh họa
Theo đó, sẽ có 7 đoàn công tác do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và một số Bộ trưởng làm Trưởng đoàn sẽ thực hiện kiểm tra từ ngày 18/7 - 31/8/2020.
Nội dung làm việc của các đoàn công tác là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiểm tra, đôn đốc, xử lý vướng mắc và các vấn đề phát sinh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020.
Thủ tướng yêu cầu các đoàn công tác có trách nhiệm báo cáo tổng hợp tình hình, kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể (nếu có), gửi Thủ tướng Chính phủ trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với từng địa phương, Bộ, cơ quan.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công trong phạm vi quản lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/8.
Như vậy, đích thân Thủ tướng, các Phó Thủ tướng phải “xắn tay áo” vào đốc thúc việc giải ngân. Lo được tiền đầu tư đã khó, lo giải ngân cũng không kém phần gian truân. Câu chuyện cho thấy, nhiều vấn đề rất nhức nhối trong công tác quản trị dự án, vì phát triển.
Đáng tiếc, năm nào cũng thế, “căn bệnh”: vốn chờ dự án đã trở thành “kinh niên”. Câu hỏi đặt ra là, vì sao?
Nhiều địa phương và Bộ, ngành cho biết, trong các vướng mắc, khó khăn, điển hình nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư. Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư NSNN đang thi công, nghiệm thu khối lượng để giải ngân hoặc đang triển khai công tác đấu thầu cho nên thường không đủ điều kiện giải ngân. Đối với dự án sử dụng nguồn vốn TPCP thì chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm, đang tiến hành thủ tục đấu thầu. Việc giao kế hoạch vốn chậm đã làm ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai các dự án, nhất là thủ tục kéo dài..
Do vướng mắc về thủ tục cho nên trong thực tế, việc chưa có sản phẩm để giải ngân là điều dễ hiểu. Việc không nhất quán giữa nhiều Luật nếu không được gỡ bỏ, giải quyết rốt ráo thì tình trạng lúng túng, chậm giải ngân đầu tư công sẽ còn kéo dài – đang là câu chuyện lớn về hành lang pháp lý.
Tiến độ thực hiện công tác bồi thường, GPMB, quá trình hiệp thương thỏa thuận bồi thường kéo dài đương nhiên là làm ảnh hưởng tới tiến độ thi công công trình. Rất nhiều nhà thầu nước ngoài đã kiện, thậm chí chủ đầu tư đã phải bồi thường. Riêng nhà thầu trong nước, thì đương nhiên không dám kiện. Thậm chí, họ còn bị nợ xây dựng cơ bản. Khó khăn này kéo theo khó khăn khác.
Điều này cho thấy, đôn đốc có thể giải quyết trong tạm thời, nhưng giải quyết căn bản còn phải lo tháo gỡ rất nhiều vấn đề lớn hơn.
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus