Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Thông qua nội dung cơ bản kết luận về kinh tế - xã hội năm 2023-2024, Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ hoàn chỉnh báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023; kế hoạch năm 2024, kế hoạch tài chính, ngân sách Nhà nước 3 năm 2024-2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.
Trong Nghị quyết vừa ban hành, Trung ương nêu rõ quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Nhật Bắc).
Theo đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng XIV. Tiểu ban này có nhiệm vụ xây dựng báo cáo chính trị và báo cáo tổng kết những thành tựu, kết quả của 40 năm đổi mới (1986-2026), trình Đại hội XIV của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội Đảng XIV.
Tiểu ban Nhân sự có nhiệm vụ xây dựng phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương; kế hoạch giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng nhiệm kỳ 2026-2031; báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa mới trình Đại hội XIV của Đảng.
Tiểu ban Kinh tế - Xã hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Tiểu ban. Tiểu ban có nhiệm vụ xây dựng báo cáo thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030); xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2026- 2030 trình Đại hội XIV của Đảng.
Tiểu ban Điều lệ Đảng do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai làm Trưởng Tiểu ban, có nhiệm vụ xây dựng, báo cáo về công tác xây dựng đảng 5 năm (2021-2025) và Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng và bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng.
Trưởng Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội cũng do bà Trương Thị Mai làm Trưởng Tiểu ban, có nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện và phục vụ Đại hội XIV của Đảng.
Ngoài ra, tại Hội nghị lần thứ 8, Trung ương cũng xem xét, cho ý kiến về việc giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2026-2031 để Bộ Chính trị xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Trung ương cũng thông qua một số nội dung liên quan đến công tác nhân sự; thông qua báo cáo của Bộ Chính trị về những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu căn cứ vào kết quả giới thiệu của Trung ương, Bộ Chính trị sớm xem xét, quyết định một bước quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026-2031.
Theo chỉ đạo của người đứng đầu Đảng, nếu phát hiện cán bộ có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần tiếp tục xem xét, phân tích kỹ lưỡng chất lượng, cơ cấu, thành phần trên các lĩnh vực công tác để kịp thời phát hiện, kiến nghị, giới thiệu bổ sung quy hoạch báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét ở các hội nghị sau.
Theo người đứng đầu Đảng, đây là bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ khóa XIV, với tinh thần phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ.
Quy trình được Tổng Bí thư đề cập là quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sau đó mới đến quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Người đứng đầu Đảng nhấn mạnh lấy quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước làm cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Quốc Bảo - Pháp luật Plus