Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM báo cáo về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Đề án này được Chính phủ giao UBND TP.HCM chủ trì thực hiện, nằm trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phối cảnh siêu cảng Cần Giờ
Tờ trình đề án lần này đã được cập nhật, hoàn thiện sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cảng và các cơ quan, đơn vị liên quan. Cụ thể, mục tiêu đặt ra là đưa cảng Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực.
Về vị trí, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến nằm ở khu vực xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan dự kiến khoảng 2 km.
Một góc huyện Cần Giờ
Tổng diện tích ước tính khoảng 571 ha. Bao gồm cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật... khoảng 469,5 ha và diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng 101,5 ha.
Ước tính với sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng đạt khoảng 2,1 triệu TEU (1 TEU bằng 1 container 20 feet). Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047 - bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay. Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỉ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 129.000 tỉ đồng (5,5 tỉ USD), do Tập đoàn MSC - hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất đầu tư.
Theo Sở GTVT TP.HCM, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là dự án mang tính chiến lược quốc gia, nhằm tận dụng lợi thế của luồng nước sâu ở cửa biển Cần Giờ và khai thác triệt để vai trò của cụm cảng biển số 4, với tổng diện tích khoảng 600ha.
Cảng Cần Giờ sẽ bổ sung, hỗ trợ cho các cảng trong khu vực, bao gồm cả Cái Mép - Thị Vải, trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước về cảng, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Cảng Cái Mép - Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Cảng Cần Giờ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc trung chuyển hàng hóa đến và đi từ các vùng sản xuất công nghiệp nội địa lớn cho toàn khu vực Đông Nam Bộ, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và tạo ra một trung tâm hậu cần quan trọng cho khu vực miền Nam và điểm đến quan trọng trong hành trình vận tải hàng hải quốc tế.
Ngoài ra, cảng này cũng sẽ góp phần phát triển kinh tế biển của TP.HCM, nâng cao tỷ trọng khối dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã gửi công văn tới các bộ, ngành, địa phương liên quan để xin ý kiến góp ý đề án. Đến nay, thành phố đã nhận được 12/16 văn bản góp ý của 9 bộ, ngành và 3 tỉnh.
Nhận định cảng Cần Giờ có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ, TP.HCM dự kiến giai đoạn năm 2023 - 2024 sẽ chuẩn bị đầu tư, từ năm 2024 - 2026 sẽ xây dựng cảng, mục tiêu sớm khởi công dự án từ 2025 để đưa vào khai thác cảng từ năm 2027.
TP.HCM đặt mục tiêu khởi công dự án trong năm 2025
Chính vì vậy, Sở GTVT vẫn đang khẩn trương phối hợp với Tổ công tác thực hiện đề án và đơn vị tư vấn tiếp tục lấy ý kiến các bộ ngành, đơn vị liên quan để hoàn thành đề án, dự kiến trình Thủ tướng trong quý I này.
Đỗ Quyên - Pháp luật Plus