Dấu hiệu đáng sợ, lo ngại về 2 trụ cột
Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đêm qua (giờ Việt Nam) giảm mạnh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 970 điểm, tương đương giảm 3,5%). Các chỉ số tầm rộng S&P 500 và công nghệ Nasdaq Composite giảm tương ứng 3,3% và 3,1%.
Chứng khoán Mỹ đã chạm đáy trong phiên khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt xuống mức thấp nhất mọi thời đại là dưới 0,9%. Tất cả 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đều khép phiên chìm trong sắc đỏ.
Trước đó, chứng khoán Mỹ đã chứng kiến một chuỗi ngày ngày 7 phiên liên tiếp, ở nhiều góc độ mạnh hơn nhiều so với đợt khủng hoảng tài chính hồi 2008. Tính chung, đợt giảm giá này, các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm 13-15% và đều rời rất xa so với đỉnh cao lịch sử lập được trong tuần trước đó.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm mạnh.
Đây là một diễn biến khá bất ngờ với giới đầu tư bởi nền kinh tế Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu trục trặc. Chỉ số việc làm khu vực tư nhân vẫn khá tốt. Trong tháng 2, khu vực tư nhân tạo thêm 183.000 việc làm, cao hơn so với dự báo…
Sở dĩ chứng khoán Mỹ và thế giới tụt giảm là do ngày càng có nhiều dự báo cho thấy nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào thời kỳ tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vì dịch virus corona chủng mới (Covid-19).
Theo Bloomberg, nhóm chuyên gia thuộc Bank of America Corp (BoA) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 sẽ chỉ đạt mức 2,8%, thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua và nếu Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu thì GDP sẽ bốc hơi 4,8%, tương đương với 4,3 ngàn tỷ USD.
Nguy cơ kinh tế thế giới trượt dốc, theo BoA, là rất lớn bởi thế giới đang đứng trước nguy cơ 2 trụ cột bị đứt gãy hoặc đóng băng.
Trụ cột thứ nhất chính là chuỗi cung ứng cho thế giới nằm ở Trung Quốc và trụ cột thứ 2 là hệ thống tài chính thế giới mà trung tâm nằm ở nước Mỹ.
Diễn biến chỉ số công nghiệp Dow Jones từ đầu năm.
ho tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới. Sự ngừng trệ của hàng loạt các nhà máy tại Trung Quốc đã khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu bị cắt đứt, du lịch và thương lại tê liệt.
Hàng trăm ngàn nhà máy ở Trung Quốc được cho đã hoạt động trở lại nhưng không ít vẫn hoạt động cầm chừng với hàng chục triệu công nhân vẫn chôn chân trong nhà và nhiều chuỗi cung ứng chưa được khai thông.
Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi dịch Covid-19 lan tới châu Âu và Mỹ và đang đe dọa trụ cột thứ 2. Đó là trung tâm tài chính lớn nhất thế giới nằm ở nước Mỹ. Trong khi Trung Quốc đóng cửa thì nguồn cung ứng và chuỗi cung ứng từ Trung Quốc tê liệt, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh trên phạm vi toàn thế giới. Còn giờ đây, nếu trung tâm tài chính của Mỹ bị đứt gãy hay đóng băng thì rủi ro đối với nền kinh tế thế giới cũng lớn không kém.
Sự sụt giảm của chứng khoán Mỹ với 4-5 phiên mỗi phiên giảm 1.000 điểm trong khoảng 2 tuần gần đây cho thấy nỗi lo về tác động của thị trường tài chính Mỹ tới các nhà đầu tư toàn cầu là rất lớn.
Chờ sức đề kháng từ nước Mỹ, Trung Quốc
Tại Mỹ, bang California đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau ca tử vong vì virus đầu tiên và 53 trường hợp xác nhận nhiễm bệnh ở bang này. Số người nhiễm bệnh ở New York cũng tăng gấp đôi lên 22 người khi bang này tăng cường xét nghiệm.
Chính quyền ông Trump có được 8 tỷ USD để chống Covid-19.
Trong tuần này, hàng loạt các tập đoàn lớn trên thế giới đã ngừng cho các nhân viên di chuyển bằng đường hàng không và hủy nhiều cuộc hội họp và hội thảo. Nhiều báo cáo cho thấy, một số cửa hàng ở Mỹ đã hết sạch các mặt hàng tiêu dùng cơ bản.
Trước đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra một quyết định chưa từng có: giảm mạnh lãi suất và giảm trước một cuộc họp chính sách. Fed đã bất ngờ đảo chiều chính sách, giảm lãi suất cơ bản 50 điểm phần trăm từ mức 1,5 - 1,75% xuống 1% - 1,25% nhằm khẩn cấp hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trước nguy cơ suy giảm tăng trưởng do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang bùng phát trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có Mỹ.
Lãi suất trái phiếu giảm đã gây sức ép đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, khiến các chỉ số chứng khoán chính nhuốm sắc đỏ. Cổ phiếu JPMorgan và Bank of America đều sụt 5%. Các cổ phiếu hàng không cũng chịu áp lực bán ra rất lớn. Cổ phiếu United Airlines “bốc hơi” 13,4%, American Airlines lao dốc 13,2%...
Trong khi đó, dòng tiền đổ dồn vào trái phiếu chính phủ Mỹ khiến lợi tức trái phiếu 10 năm xuống mức thấp lịch sử: 0,9%. Giá vàng tăng vọt lên lên đỉnh cao 1.674 điểm và vẫn tiếp tục xu hướng đi lên.
Trong một dự báo gần đây, BoA cho rằng nền nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm nhất trong vòng 4 năm qua. Điều đáng lo ngại là khi Covid-19 lan rộng và chứng khoán lao dốc, chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ hứng chịu đòn đau gấp đôi và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.
Ông Trump kêu gọi Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Thông thường, người dân có xu hướng nhanh chóng cắt giảm chi phí không cần thiết trong thời kỳ thị trường biến động. Đây là một yếu tố sẽ khiến nền kinh tế vốn đang gặp khó sẽ càng thêm khó khăn. Tổng mức bán lẻ tại Mỹ được dự báo sẽ suy giảm nhanh chóng.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia cũng kỳ vọng những biện pháp mạnh tay của NHTW các nước, trong đó có Fed có thể sẽ giúp vực dậy một phần sản xuất và tiêu dùng. Fed đã giảm lãi suất 50 điểm phần trăm hôm 3/3, NHTW Canada ngay lập tức đã giảm theo cũng ở mức mạnh tương tự xuống còn 1,25%. Goldman Sachs dự báo Ngân hàng Trung ương Anh cũng sẽ hạ lãi suất 50 điểm cơ bản.
Theo tín hiệu thị trường, Fed sẽ có 3 lần giảm lãi suất trong năm nay.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng chờ đợi chính sách hạ thuế của chính quyền ông Donald Trump. Đây là một chính sách đã mang về nhiều thành công cho ông Trump trong 3 năm cầm quyền vừa qua. Việc giảm thuế đã khuyến khích dân Mỹ tăng đầu tư, hút dòng vốn từ nước ngoài về nước và tăng tiêu dùng. Chứng khoán Mỹ đã hàng chục lần lập đỉnh lịch sử trong 2 năm vừa qua.
Giới đầu tư vẫn có niềm tin các thị trường sẽ hồi phục nhanh chóng, thậm chí hồi phục theo mô hình chữ V khi mà Trung Quốc và Mỹ lấy lại được nhịp tăng trưởng. Tuy nhiên, rủi ro về chính sách nới lỏng, bơm tiền hiện hữu và có thể tác động trong dài hạn.