UBND tỉnh Lai Châu cần chỉ đạo làm rõ việc xưởng chế biến tinh bột sắn xả thải xuống sông Nậm Na
Kinhte&Xahoi
Hiện xưởng chế biến này đang hoạt động suốt ngày đêm, bên cạnh nghĩa trang nhân dân huyện Phong Thổ, và phía dưới là dòng sông Nậm Na đang oằn mình hứng chịu hệ thống xả thải, cũng như các đợt vỡ đập chắn, khiến nhiều tấn bã, vỏ sắn, nước thải và các loại tạp chất bị tống ào ạt ra môi trường.
Giáp danh giữa hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, nhiều người dân sinh sống tại bản Nậm Pậy thị trấn Phong Thổ phản ánh tình trạng xả thải trực tiếp ô nhiễm môi trường, cùng tiếng ồn bởi các phương tiện vận chuyển cũng như các thiết bị sản xuất tinh bột sắn.
Hiện xưởng chế biến này đang hoạt động suốt ngày đêm, bên cạnh nghĩa trang nhân dân huyện Phong Thổ, và phía dưới là dòng sông Nậm Na đang oằn mình hứng chịu hệ thống xả thải, cũng như các đợt vỡ đập chắn, khiến hàng nghìn tấn bã, vỏ sắn, nước thải và các loại tạp chất bị tống ào ạt ra môi trường.
Hàng nghìn m2 sông ngòi gần cửa xả thải của nhà máy chế biến tinh bột sắn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Có mặt tại hiện trường cửa xả trong các ngày 24 – 26/12/2023, nhóm Phóng viên báo pháp luật Việt Nam đã trực tiếp ghi nhận thực trạng này.
Mặc dù đã được cảnh báo từ trước về mùi hôi thối nồng nặc, nên đã trang bị cẩn thận nhưng ai nấy vẫn không khỏi bất ngờ với mùi xú uế tanh tưởi gây buồn nôn và một cảnh tượng hoang tàn phơi bày ngay trước mắt.
Vỏ bã sắn lưu đóng bánh dầy hàng mét cạnh cửa xả là hậu quả của những đợt vỡ ao bùn thải trong nhà máy.
Dấu tích của việc xả thải lượng lớn ra môi trường vẫn còn thể hiện ở vệt bùn thải lẫn vỏ, bã sắn dâng cao bám ven bờ dày hàng mét.
Dưới lòng moong là các tạp chất sột sệt đặc quánh màu trắng đục, lõng bõng nước trên mặt, chỉ cần sơ ý mà bị thụt xuống đó là có thể ngậm bủm cả đầu người lớn.
Cửa xả lớn được rào rất sơ sài bằng các que củi dạng tre nứa đan xen, nước bùn tạp chất đã ngừng chảy nhưng dấu vết còn rất mới.
Tuy nhiên, bên cạnh đó là một cửa xả nhỏ hơn màu trắng đục như sữa thì vẫn đang mải miết chảy từ trong nhà máy sắn ra với tốc độ tương đối mạnh.
Hàng chục công nhân đang hối hả làm việc tại các ô chứa bột sắn trong xưởng chế biến.
Ngay phía trên là cơ sở sản xuất với hàng chục công nhân đang hối hả làm việc, trên một diện tích sân bãi bằng phẳng rộng vài nghìn m2 được rào quây kín xung quanh bằng tôn.
Bên trong bố trí xây dựng dày kín các ô chứa tinh bột sắn sau khi đã được nghiền nhỏ sơ chế trắng bốp, sũng nước.
Ngay sát cửa xả thải là gia đình ông H, người đã cho đơn vị chế biến tinh bột sắn thuê một phần đất để làm ao chứa, nên chấp nhận "sống chung với lũ ".
Trao đổi với PV, ông H cho biết: "Trước đó do chưa ý thức được hậu quả nên chấp nhận cho họ thuê đất, giờ họ làm suốt ngày đêm và xả thải vô tội vạ ra môi trường cũng đành chịu.
Ông H bức xúc chỉ tay về hướng cống xả thải, nơi vỡ đập chắn bã sắn tống hàng tấn tạp chất ra ngoài môi trường.
Thời gian gần đây, bờ rào chặn bã thải sắn trong ao bùn bị gãy bục thế là không biết cơ man nào là nước thải lẫn các loại tạp chất được tống thẳng xuống sông Nậm Na.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề nhất về mùi hôi thối, nguồn nước, không khí ô nhiễm như vậy, nhưng phía Công ty chế biến sắn cũng chưa bao giờ hỗ trợ gia đình tôi một chút kinh phí nào".
Rào chắn cửa đập nơi gười dân tố bị bục tống nhiều tạp chất ra môi trường.
Tương tự như vậy, gia đình nhà chị C cách đó khoảng 100 m cũng thừa nhận là phải tự tạo thói quen mất ngủ với mùi xú uế nồng nặc và tiếng ồn ã suốt ngày đêm của nhà máy chế biến tinh bột sắn này.
Phía cổng chính vào điểm tập kết chế biến cũng không thấy có biển tên Công ty hay Doanh nghiệp nào.
Trong nhà máy chế biến tinh bột, thành phần nước thải sinh ra chủ yếu từ bóc vỏ, rửa củ, nghiền bột nhỏ và lắng lọc gây ra các nguồn ô nhiễm độc hại, khi thải ra môi trường có sức công phá, huỷ diệt tận gốc các loài thực vật và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ, đời sống người dân.
Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề này, một lãnh đạo Phòng TNMT huyện Phong Thổ cho biết: "Nhà máy chế biết tinh bột sắn gây ô nhiễm môi trường đã bị tỉnh lập biên bản và xử phạt hành chính".
Báo Pháp luật Việt nam đề nghị UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo các sở ngành liên quan vào cuộc, kiểm tra xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm môi trường "nếu có" của nhà máy chế biến tinh bột sắn, đảm bảo không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường, đồng thời tránh gây bức xúc cho người dân.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Thiên Vũ - Nhật Minh - Pháp luật Plus