Vững chắc từ cơ sở, không để phát sinh ''điểm nóng''
Kinhte&Xahoi
Củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng được Thành ủy Hà Nội tập trung chỉ đạo trong năm 2022. Tinh thần chung là phải đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, vào cuộc kịp thời, không để phát sinh “điểm nóng”.
Một hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và đại diện nhân dân quận Hoàn Kiếm, tháng 12-2021. Ảnh: Nguyễn Quang
Nhiều nhiệm vụ đặt ra
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Đức, năm 2021, việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” (Nghị quyết 15) và Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội” (Chỉ thị 15) tiếp tục được đẩy mạnh.
Thành ủy đã chỉ đạo củng cố được 12 tổ chức cơ sở Đảng; nâng số đơn vị được củng cố từ khi Nghị quyết 15 ra đời lên hơn 230. Các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy cũng xây dựng được 37 đề án nhằm củng cố 45 tổ chức cơ sở Đảng. Qua đó góp phần rất quan trọng vào tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại Hà Nội.
Tuy nhiên, trong năm 2021, thành phố đã đưa vào danh sách 39 tổ chức cơ sở Đảng cần củng cố và chưa kể những đơn vị khác sẽ được bổ sung trong đợt rà soát dự kiến hoàn thành trong tháng 2-2022.
Kết quả kiểm tra từ 5 đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy đối với một số cấp ủy trực thuộc Thành ủy vừa qua cũng cho thấy, việc giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài chưa đạt kết quả mong muốn, tiến độ chậm. Một số vụ việc đã giải quyết, tổ chức cơ sở Đảng đã củng cố nhưng chưa vững chắc; một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư...
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 của Thành ủy, năm 2022, nhiệm vụ đặt ra là phải tiếp tục củng cố các cơ sở Đảng yếu kém và giải quyết dứt điểm những vụ khiếu kiện kéo dài, các vụ việc phức tạp; không để phát sinh thành “điểm nóng” về khiếu kiện và phức tạp về an ninh trật tự.
Có giải pháp từ sớm, từ xa
Theo kế hoạch, năm 2022, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 của Thành ủy sẽ tập trung triển khai 16 công tác trọng tâm; từng nội dung đã được phân công, giao tiến độ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị. Đáng chú ý, ngay trong quý I-2022, ngoài việc đưa vào danh sách các tổ chức cơ sở Đảng cần củng cố, các vụ việc cần theo dõi, Ban Chỉ đạo sẽ làm việc với một số đơn vị, địa phương có nhiều đơn thư, vụ việc phức tạp, kéo dài. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ tiếp tục kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 15 kết hợp với thực hiện Đề án số 11-ĐA/TU ngày 6-12-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới”.
Theo Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, Ban sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát tiến độ, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức; đồng thời mở các chuyên đề kiểm tra liên quan, xem xét xử lý trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số địa bàn phức tạp.
Từ chỉ đạo của thành phố, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, quận sẽ chủ động xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả đề án về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy và sinh hoạt chi bộ Đảng trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2021-2025”… Còn theo Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam, quận tiếp tục phân công, gắn trách nhiệm cá nhân phụ trách địa bàn; yêu cầu 14/14 đảng ủy phường nắm chắc những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ phức tạp và có giải pháp tháo gỡ từ sớm, từ xa.
Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội Lê Minh Đức cho hay, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối sẽ lập danh sách tổ chức cơ sở Đảng cần củng cố để tập trung xây dựng đề án củng cố; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng… Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh khẳng định, huyện sẽ tập trung ưu tiên bám sát địa bàn, kịp thời nắm bắt tình hình, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với người dân để giải quyết những vấn đề phát sinh...
Có thể thấy, Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện sâu rộng trong Đảng bộ thành phố năm 2022. Điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm của các cấp, ngành mà còn mang lại niềm tin cho người dân Thủ đô.
Hà Vũ - Hà Nội mới