Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
Kinhte&Xahoi
Trong chương trình thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm, phát biểu và dự tọa đàm chính sách tại Đại học Harvard, thành phố Cambridge, bang Massachusetts.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã làm rõ nhiều vấn đề về nguyên tắc, quan điểm, chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam.
Tại đây, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã làm rõ nhiều vấn đề về nguyên tắc, quan điểm, chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam. Đặc biệt, đáng quan tâm là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Theo đó, Cương lĩnh năm 2011 xác định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tinh thần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ dựa trên ý chí tự lực, tự cường và phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc gắn với sức mạnh thời đại. Hiến pháp năm 2013 khẳng định, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải dựa trên nền tảng bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Mục tiêu chiến lược phát triển đất nước của Việt Nam, đến năm 2030 được Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng xác định: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Xã hội XHCN mà Việt Nam hướng tới, kiên trì, nhất quán đó là một xã hội con người được đặt vào vị trí trung tâm, là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Theo đó, sẽ phát huy tối đa trí tuệ, tài năng và năng lực, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trên cơ sở các yếu tố nền tảng, trụ cột chính là con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa. Phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức con người Việt Nam. Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, để thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Đất nước đã và đang nỗ lực khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Trong đó nội lực được xác định là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng; thúc đẩy quá trình chuyển hóa ngoại lực thành nội lực; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội dưới hình thức cho đầu tư phát triển.
Để hiện thực hóa chiến lược phát triển, hiện nay Việt Nam đang tập trung thực hiện và tạo chuyển biến rõ nét trong 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng tạo đột phá về thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus