Đổ đất, xây kè lát mái trái phép ven hồ Đồng Đò tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn.
Ai chịu trách nhiệm về mốc giới hồ chứa?
Liên quan đến việc xử lý các vi phạm hồ chứa thủy lợi tại hai xã Minh Trí và Phù Linh, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Sóc Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội) Nguyễn Văn Huyền nhiều lần khẳng định, đơn vị đã làm đúng theo Hướng dẫn số 144/HD-SNN của Sở NN&PTNT Hà Nội. Theo đó, xí nghiệp này có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và lập biên bản các vi phạm; sau đó chuyển đến UBND cấp xã để đề nghị xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, UBND huyện Sóc Sơn cho biết, toàn bộ 8/8 hồ chứa thủy lợi do Xí nghiệp Thủy lợi Sóc Sơn quản lý nằm trên địa bàn huyện hiện đều không có hồ sơ quản lý ranh giới, chưa có mốc giới. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc xác định vi phạm lòng hồ để thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm của chính quyền sở tại gặp rất nhiều khó khăn.
Trong văn bản mới đây gửi UBND huyện Sóc Sơn và Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng khẳng định: Theo Quyết định số 1679/QĐ-UBND của UBND TP, 8/8 hồ chứa thủy lợi nhỏ và vừa trên địa bàn huyện Sóc Sơn đều phải cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, lòng hồ. Đối với nhiệm vụ cắm mốc chỉ giới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn cho biết, Luật Thủy lợi đã quy định rất rõ trách nhiệm cắm mốc giới, chỉ giới thuộc về đơn vị quản lý, khai thác công trình. Do đó trách nhiệm này thuộc về Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội.
Xử lý dứt điểm từng vi phạm
Thông tin đến Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, để tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi, việc đẩy nhanh tiến độ cắm mốc giới các hồ chứa là cần thiết. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cần xây dựng hành lang quản lý đối với các hồ, đập nhằm phục vụ công tác quản lý, xác định hành vi và xử lý các vi phạm.
Liên quan đến các vi phạm tại loạt hồ chứa: Đồng Đò, Đồng Quan, ông Tuấn cho biết, đã chỉ đạo các xã có vi phạm phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội. “Các bên sẽ sớm thống nhất lập biên bản xác định vi phạm mốc giới, chỉ giới, ranh giới hồ, đập và phạm vi vi phạm. Hoàn thiện cơ sở thiết lập hồ sơ để xử lý từng vi phạm theo đúng quy định” - ông Tuấn cho hay.
Trên thực tế, việc hoàn thiện mốc giới, ranh giới hồ chứa chỉ là một trong những giải pháp để thực thi quy định pháp luật trong lĩnh vực thủy lợi. Nếu không có mốc chỉ giới, chính quyền các cấp vẫn hoàn toàn có thể thiết lập được hồ sơ để xử lý vi phạm công trình thủy lợi. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với huyện Sóc Sơn là cần chủ động phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội trong việc thiết lập hồ sơ, tiến tới giải tỏa dứt điểm các vi phạm.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, từ năm 2019, đơn vị đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành Hướng dẫn số 144/HD-SNN trên cơ sở Luật Thủy lợi và các nghị định của Chính phủ, có lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương. Đây là cơ sở pháp lý để các bên liên quan tổ chức xử lý các vi phạm công trình thủy lợi. Theo ông Mỹ, đến nay sau gần 2 năm đi vào thực tiễn, chưa ghi nhận bất cứ ý kiến phản hồi nào đối với những bất cập trong thực hiện hướng dẫn này. Mặc dù vậy, ông Mỹ cũng cho biết, nếu địa phương nào có ý kiến về việc cần phải điều chỉnh Hướng dẫn số 144 để phù hợp hơn với thực tiễn, có thể gửi đến Sở NN&PTNT Hà Nội để xem xét theo quy định pháp luật.
Tại Chỉ thị số 07/CT-UBND về công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi trên địa bàn Hà Nội năm 2021, UBND TP đề nghị 30 quận, huyện, thị xã phối hợp với các sở, ngành, 4 DN thủy lợi kiểm tra thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ khi vi phạm mới phát sinh. Tăng cường xử phạt vi phạm hành chính, buộc các đối tượng khôi phục lại hiện trạng ban đầu hoặc tổ chức cưỡng chế theo quy định.
Tùng Nguyễn - Theo KTĐT