Doanh số xe Isuzu tại Việt Nam vài năm gần đây không tốt dưới áp lực cạnh tranh lớn từ các đối thủ. Ảnh: Isuzu
Theo thông tin từ Isuzu và Cục Đăng kiểm Việt Nam, các xe trong diện triệu hồi được sản xuất tại Thái Lan trong khoảng thời gian từ tháng 10-2021 đến tháng 7-2023, do Công ty TNHH Ô tô Isuzu Việt Nam nhập khẩu.
Theo mô tả, khi tài xế vận hành xe ở chế độ đèn chiếu sáng tự động trong điều kiện môi trường ánh sáng yếu (trời tối hoặc đi qua hầm đường bộ) với tốc độ dưới 10km/giờ hoặc đỗ tại chỗ, hộp BCM không điều khiển chính xác hoạt động của đèn chiếu sáng có thể gây ra tình huống rủi ro.
Khi chế độ đèn khẩn cấp kích hoạt, chỉ có đèn chiếu sáng phía trước bật, còn toàn bộ đèn hậu phía sau, bao gồm cả đèn biển số đều không bật, khiến các phương tiện di chuyển phía sau khó quan sát, không nhận diện được xe bị lỗi phía trước, dẫn đến nguy cơ xảy ra va chạm.
Để bảo đảm an toàn cho xe và người sử dụng, cũng như ngăn ngừa hỏng hóc đối với hệ thống chiếu sáng về lâu dài, Isuzu triệu hồi để kiểm tra, thay thế hộp BCM cho các xe nói trên. Chương trình triệu hồi kéo dài từ nay tới ngày 27-5-2027 tại các đại lý của Isuzu tại Việt Nam (miễn phí). Thời gian khắc phục mỗi xe gần 1 giờ.
Tương tự, Mercedes-Benz Việt Nam cũng thông báo triệu hồi 1.871 xe cao cấp sản xuất từ tháng 6-2019 đến tháng 12-2022, gồm các mẫu GLS 450 4MATIC, GLE 450 4MATIC, AMG GLE 53 4MATIC, Maybach GLS 480 4MATIC, Maybach GLS 600 4MATIC, nhằm kiểm tra mối nối nguồn âm của dây điện ắc quy 48V bên trong xe.
Hầu hết các mẫu SUV cao cấp của Mercedes-Benz tại Việt Nam đều cần được khắc phục lỗi trong đợt triệu hồi này. Ảnh: Hoàng Linh
Theo mô tả của hãng xe Đức, mối nối nguồn âm (mass) từ ắc quy 48V vào thân xe (dưới ghế hành khách phía trước) có thể bị lỏng, khiến điện trở kết nối tăng lên, dẫn đến nguy cơ quá nhiệt.
Để bảo đảm an toàn, các linh kiện liên quan cần được kiểm tra và thay thế nếu cần thiết. Chương trình triệu hồi diễn ra từ nay tới ngày 31-12-2029 tại các đại lý Mercedes-Benz. Thời gian khắc phục khoảng 1 giờ.
Hoàng Linh - Hà Nội mới