Nội dung công văn cho hay, phương án tổ chức phần tranh phết trong đề án Đổi mới công tác quản lý và tổ chức Lễ hội Phết 2020 chưa có đổi mới so với các năm trước, đặc biệt là các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội chưa rõ ràng, còn sai lệch nội dung, giá trị của lễ hội...
Chính vì vậy, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ báo cáo và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương tổ chức Lễ hội Phết theo hướng tạm ngừng hoạt động đánh phết theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP. Còn lại, phần lễ trang nghiêm, đúng nghi lễ truyền thống.
Bên cạnh đó, các hoạt động khác trong lễ hội tổ chức theo kế hoạch đề ra. Triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho người tham gia lễ hội và các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona.
Cục Văn hóa cơ sở cũng đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử và các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ hội phết.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để gây mất trật tự an toàn, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Lễ hội Phết xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ được tổ chức hàng năm vào ngày 12 và 13 tháng Giêng.
Lễ hội phết Hiền Quan gồm bốn phần: Rước kiệu, tế lễ, kéo quân, đánh phết diễn ra ở Đình Hiền Quan, nơi thờ Đức Ông Lý Mộc Trang thời Đinh và đền Hiền Quan, thờ Thiều Hoa thời Hai Bà Trưng.
Tại lễ rước kiệu, trên kiệu là các sắc phong, bài vị, quả phết, quả chúi (hay còn gọi là dúi) được cất giữ trong cung cấm của đình làng từ ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch.
Kiệu được khiêng từ đình ra đền do các binh sĩ mình mặc áo giáp hộ tống. Sau lễ rước kiệu là phần tế lễ và lễ kéo quân. Cuối cùng sẽ là rước phết ra đồng để mọi người giành lấy.
Điểm đặc biệt tại Lễ hội Phết Hiền Quan là phần cướp phết. Có 6 quả phết và 3 quả chúi để những người tham gia lễ hội cùng giành lấy. Hai thứ này được làm từ củ tre sơn đỏ, trong đó quả phết có đường kính khoảng 6–7 cm và quả chúi nhỏ hơn, khoảng 4–5 cm.
Chiều ngày lễ hội, tại đền thờ Thiều Hoa công chúa sẽ diễn ra lễ tế. Sau các phần rước kiệu, tế lễ, kéo quân sẽ là lễ rước phết.
Quả phết được vị chủ tế mang theo từ đền ra bãi đất trống (thường là thửa ruộng mới cày hoặc bãi cát ven sông), xung quanh chủ tế là hai hàng thanh niên trai tráng khỏe mạnh lập thành rào chặt chẽ để bảo vệ phết.
Khi đến bãi đất trống, vị chủ tế sẽ đặt phết vào hố phết đã được đào sẵn và những người tham gia lễ hội sẽ cùng nhau tranh cướp quả phết (đặt phết vào hố phết hoặc tung lên cao).
Người nào cầm được quả phết chạy qua cột cờ mốc giới coi như thắng cuộc. Sau khi 1 quả phết đã có người giành được thì quả tiếp theo lại mới được đưa ra.
Sau khi các quả phết đã có chủ thì các quả chúi sẽ được đưa ra. Quả chúi không cần các lễ nghi như quả phết. Theo quan niệm của làng Hiền Quan, ném chúi là để "trừ tai viễn tống", xua đi mọi rủi ro tật bệnh.
Người dân quan niệm rằng nếu ai giành được quả phết và chúi hay chỉ chạm được tay vào là cả năm sẽ rất may mắn.