Với người Hà thành, mâm cơm nhà đã là nét văn hóa không thể phôi phai, còn mâm cỗ Tết đích thực một tinh hoa ẩm thực mang cả phong thái hào hoa và tinh tế của người đất này.
Hương vị từ ký ức
Buổi trình diễn di sản ẩm thực và talkshow “Cơm nhà và cỗ Tết” mở ra tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) mới đây khiến nỗi nhớ dành cho mâm cơm nhà và mâm cỗ Tết trong lòng người Hà thành càng thêm đong đầy, nhất là với độ tuổi tóc đã pha khói sương. Nhớ lắm cái bình dị mà thanh tao, nhẹ nhàng mà tinh tế, giản đơn mà lại vô cùng khéo léo ẩn trong những hương vị món ăn, những đĩa bát bày đặt trên mâm, những kết hợp tưởng giản đơn mà là cả một kho tri thức văn hóa, sức khỏe… Giống như bản tính vốn dĩ của người Hà Nội vậy, kín đáo mà phong lưu, khiêm tốn mà hào hoa, thanh nhã.
Không phải tự nhiên mà chuyên gia ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết giãi bày về mâm cơm nhà và mâm cỗ Tết bằng cả hoài niệm và nỗi nhớ mênh mang: “Cơm nhà thường là những món ăn bình dị, thân thuộc nhưng chứa đựng biết bao yêu thương. Với người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng, bữa cơm gia đình là lúc để mọi thành viên quây quần bên nhau.
Đó chính là cầu nối để gắn kết gia đình, là động lực để trở về. Mâm cỗ Tết của người Hà Nội tinh tế về hình thức, cầu kỳ về cách chế biến và chứa đựng cả tâm tình, tấm lòng của con cháu để dâng lên tổ tiên trong những ngày đầu năm mới, với lòng cảm tạ và mong ước cuộc sống đủ đầy. Không đơn giản chỉ là ẩm thực, mỗi món ăn trên mâm cơm ngày Tết chứa đựng những kỷ niệm, hồi ức và tình cảm mà mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau. Mâm cơm ngày Tết cũng mang hương vị đoàn viên, ấm cúng. Hương vị truyền thống, cách bài trí từng món ăn cũng cho thấy tài nữ công gia chánh của người phụ nữ trong nhà…
Ảnh: Phạm Hùng
Lại nhớ bà nội tôi - cô gái Hà thành lớn lên ở phố Hàng Bè, khi còn sống, cứ chừng 20 - 22 tháng Chạp là “chỉ huy” cháu con gói bánh chưng. Bà ngồi giữa, tay lá, tay lạt, miệng chậm rãi kể như dạy dỗ đám cháu gái đang vây quanh: mâm cỗ Tết của người Hà Nội cầu kỳ 4 bát 6 đĩa hoặc 4 bát 8 đĩa, tùy điều kiện của mỗi gia đình. Để chế biến được mâm cỗ ngày Tết là cả sự công phu.
Trong mỗi bữa ăn, người phụ nữ không chỉ là người tạo ra hương vị mà còn là người kết nối tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, tạo nên một không gian ấm áp, sum vầy đầy yêu thương. Người phụ nữ, qua mỗi mâm cơm, mỗi mâm cỗ, không chỉ thể hiện sự khéo léo trong việc nấu nướng mà còn là người bảo tồn và truyền đạt những câu chuyện, những nét đẹp văn hóa từ đời này sang đời khác…
Tôi vẫn nhớ như in những tháng năm ấy, mâm cơm nhà tôi hàng ngày thanh đạm đậu rau, nhưng thức nào có gia vị riêng, có bát nước chấm riêng của thức ấy; thứ canh nào hợp với loại thức ăn mặn nấy… Mâm cỗ Tết thì nhiều sắc màu, đẫm hương vị… lúc nào cũng cho con cháu cảm giác ấm cúng, đủ đầy, hạnh phúc.
Bà nội tôi vẫn bảo: “Đói quanh năm, no 3 ngày Tết. Mâm cỗ ngày Tết vì thế phải đủ đầy, nhiều màu sắc, đủ hương vị. Mâm cơm Tết phải quây quần đủ con cháu cho ấm cúng, vui vầy”. Cảm giác ấy và nỗi nhớ ấy theo tôi suốt những tháng năm sau này, cho đến hôm nay, khi phố Hà thành đã đầy ắp món ăn Á - Âu, chợ Hà thành cũng đủ gia vị, hương liệu, thì nhà tôi vẫn cứ duy trì bữa cơm tối gia đình, đặc biệt là mâm cơm Tất niên và mâm Cỗ ngày mồng Một đủ “4 bát 8 đĩa” cho thỏa nỗi nhớ thương…
Thương nhớ không thôi
Đô thị hóa và hội nhập văn hóa đã đưa Hà Nội tiến dần đến một TP “văn minh - hiện đại”, nhưng rõ là người đương thời không quên những “văn hiến” nghìn năm ở mảnh đất này. Hương vị truyền thống vẫn hiện diện đó đây trong ngõ nhỏ, phố nhỏ; trở về tinh hoa và rạng rỡ trong mỗi độ Tết đến Xuân về.
Bằng chứng là trong nhiều nếp nhà nép trong ngõ nhỏ, phố nhỏ, vẫn còn những mâm cơm gia đình ấm cúng, dù không còn tam, tứ đại đồng đường chung mâm. Những món ăn truyền thống như giò, bánh chưng, gà, canh bóng, nem rán, xôi gấc… vẫn cứ hiện diện trong đời sống, trong các đám giỗ, cỗ cưới, tiệc mừng… Đặc biệt là mâm cỗ Tết, dù không đủ “4 bát 8 đĩa” chằn chặn như một thời ký ức, thì vẫn đủ đầy trong các gia đình mỗi khi Tết đến.
Bằng chứng là trong các cuộc bàn tròn, các hội thảo văn hóa, cả trong hành trình xây dựng Thành phố sáng tạo, người ta luôn nhắc đến ẩm thực truyền thống đất Hà thành, ca tụng và khuyến khích bảo tồn, gìn giữ những món ăn truyền thống. Điển hình như Buổi trình diễn di sản ẩm thực và talkshow “Cơm nhà và cỗ Tết” mở ra bên thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 này cũng là cả tấm lòng người Hà thành hướng về ẩm thực truyền thống.
Đây không đơn thuần là dịp để khán giả thưởng thức nghệ thuật chế biến món ăn mà còn là hành trình cảm nhận về giá trị di sản ẩm thực Hà Nội.
Thông qua đó, truyền cảm hứng và khơi dậy niềm tự hào đối với những giá trị truyền thống, đồng thời gửi gắm thông điệp về việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa trong cuộc sống đương đại. Điều sâu xa mà mỗi người Hà thành hôm nay cảm nhận được từ đó chính là nền tảng văn hóa gia đình.
Trong cuộc sống hiện đại, giữ gìn hơi ấm của căn bếp trong mỗi ngôi nhà chính là gìn giữ nền nếp gia phong, giữ gìn những giá trị văn hóa, di sản…
Tết đã đến bên thềm nhà.
Cùng với quất, đào khoe sắc thắm, các bà các mẹ dù tất bật trong guồng quay hối hả của cuộc sống đô thị, nhưng thể nào cũng đủ trong nhà: con gà luộc cánh tiên ngậm bông hồng; bánh chưng xanh cắt miếng gọn gàng bằng lạt; bát canh măng ninh với móng giò; bát canh bóng bì xào đủ nấm hương, thịt nạc thăn; đĩa nem rán cuốn tròn giòn rụm; đĩa giò xào thơm nức mọc nhĩ, hạt tiêu…
Mâm cỗ Tết sẽ có màu xanh của bánh chưng, màu đỏ của xôi gấc, màu vàng của thịt gà, màu trắng của dưa hành… hội tụ đầy đủ tinh hoa của đất trời. Nhà tôi thì nhất định không thể thiếu nồi cá trắm kho riềng - thứ mà bà nội từng cầu kỳ ướp, nêm nắm muối, dành cả chục tiếng đồng hồ để lửa liu riu những ngày áp Tết… Thật đúng như ai đó nói “món ăn chính là một miền ký ức, miền của hương vị xưa cũ”.
Vậy là, đi qua những thăng trầm thời gian, mâm cơm nhà và mâm cỗ Tết của người Hà Nội cũng có những đổi khác trong cuộc giao hòa Á - Âu, nhưng cơ bản vẫn gìn giữ được nét văn hóa ẩm thực truyền thống độc đáo và tinh tế, nhất là mâm cỗ Tết. Mâm cỗ chính là sợi dây kết nối hiện tại với quá khứ, gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Và vẹn nguyên ở đây sự thành tâm để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên và tình yêu của các thành viên trong gia đình đặt trong mâm cơm đoàn viên.
Thế nên, bảo tồn và truyền dạy ẩm thực truyền thống không cần sự xa hoa, mà căn cốt là các giá trị của văn hóa truyền thống. Để hơn cả những món ăn, người Hà thành hôm nay cảm nhận được giá trị của mỗi nếp nhà và sự ấp áp trong cuộc sống gia đình.
kinhtedothi.vn