Thủ tướng dự, chung vui Tết cổ truyền với bà con Khmer Nam bộ năm 2019. (Ảnh: Báo Tài Chính)
Đêm giao thừa mọi nhà đều thắp đèn sáng, cúng bánh, trái cây, hương hoa trên bàn thờ tổ tiên, để tiễn thần Tê-vô-đa cũ về nhà trời và rước thần Tê-vô-đa mới xuống ăn Tết. Vị thần này sẽ cai quản đất đai, thổ trạch trong một năm mới giúp cho gia chủ được bình an tại ngôi nhà của mình.
Vào ngày Tết thứ nhất - Sang-kran giống như mùng 01 Nguyên Đán của người Kinh thì mọi người tắm rửa sạch sẽ, chọn những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất rồi mang theo nhang, đèn, phẩm vật đến chùa để lễ, tụng Kinh, niệm Phật, làm lễ rước đại lịch (Ma-ha-sang-kran).
Đến ngày Tết thứ hai là ngày Won-bót, mọi người làm lễ dâng cơm cúng dường các vị sư sãi ở chùa, còn gọi là Wên-chô-han. Tới buổi chiều thì cùng nhau đắp 09 ngọn núi cát (Puôn-fun-khsach) tượng trưng cho sự bền vững của vũ trụ, trời đất ở chín hướng.Đặc biệt ở đây là ngọn núi thứ 09 lại nằm ở giữa trung tâm các ngọn núi khác tượng trưng cho trung tâm của Trái Đất.
Ngày thứ ba gọi là Lon-sătk mọi người tiếp tục dâng cơm và quần áo cho các vị sư sãi, rồi tắm cho các tượng Phật để cầu may mắn và bình an. Sau đó họ về nhà tắm gội cho những người lớn tuổi như Ông Bà, Cha Mẹ để tẩy trần, gột rửa những điều phiền muộn đã qua của năm cũ rồi dâng trà, bánh với những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất đến các bậc sinh thành. Đến buổi chiều họ làm lễ cầu siêu (Băng-skot) cho những vong linh đã khuất trong gia đình được siêu thoát tới miền Cực lạc.
Những lễ hội của các dân tộc khác nhau cùng sinh sống trên dải đất hình chữ S luôn được duy trì và phát triển cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến khối đại đoàn kết dân tộc.