Giá vàng hôm nay 25/2: Sau đỉnh cao 49 triệu đồng/lượng, giá vàng có thể lao dốc kinh hoàng
Kinhte&Xahoi
Nhà đầu tư cần lưu ý giá vàng trong nước đang tăng nhanh hơn cả tốc độ tăng của vàng thế giới và chủ yếu ở chiều bán ra.
Hiện giá vàng tại thị trường trong nước đang được giao dịch ở ngưỡng sau:
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 47,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 49,15 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này tăng 2.050.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và tăng 3.170.000 đồng/lượng so với phiên giao dịch gần nhất.
Ảnh minh họa. (Nguồn: 24h)
Trong khi đó, giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 47,30 triệu đồng/lượng (mua vào) và 49,05 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này tăng 1.390.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và tăng 3.210.000 đồng/lượng so với phiên giao dịch gần nhất.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 47,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 49,02 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này tăng 2220.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và tăng 3050.000 đồng/lượng so với phiên giao dịch gần nhất.
Tính từ đầu năm 2019 đến nay, giá vàng thế giới và trong nước liên tục tăng lên mức cao kỷ lục. Trong đó, 49 triệu đồng/lượng mức giá vàng cao nhất lịch sử mà thị trường Việt Nam từng ghi nhận.
Trong khi đó, vàng thế giới đã tăng một mạch từ vùng 1.280 USD/ounce lên hơn 1.675 USD/ounce hiện tại, tương đương mức tăng 31%.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý giá vàng trong nước đang tăng nhanh hơn cả tốc độ tăng của vàng thế giới, và chủ yếu ở chiều bán ra. Như vậy, khi thị trường cân bằng trở lại, có thể giá vàng trong nước sẽ điều chỉnh để hạn chế sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới.
Nhà đầu tư cũng cần lưu ý bài học "xương máu" về vàng từng xảy ra gần 10 năm về trước. Vào cuối tháng 8/2011, giá vàng thế giới vượt 1900 USD/ounce và giá vàng trong nước cũng vượt 49 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên giá vàng sau đó đã nhanh chóng tuột dốc và rơi xuống 41 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 9, khi cơn sốt ảo đã trôi qua và vàng quay trở lại giá trị thực.
Hiện chênh lệch giá mua vào bán ra thấp nhất là 1 triệu đồng/lượng còn cao nhất là 1,4 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp vàng thường kéo giãn khoảng cách giữa giá mua và giá bán rộng để phòng ngừa rủi ro.
Tại thị trường thế giới, giá vàng tiếp tục tăng mạnh và đang được giao dịch tại ngưỡng 1.674,3 USD/ounce (Theo Kitco News).
Mức giá này tương đương khoảng 46,9 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD tự do.
Vàng tăng giá chủ yếu do những tác động kinh tế tiềm tàng của dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu đối với mặt hàng kim loại này. Vàng trở thành kênh đầu tư trú ẩn an toàn.
Dịch bệnh bùng phát cũng khiến nhiều người lo ngại về Trung Quốc thực hiện các cam kết mua hàng của Mỹ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Và qua đó, có thể làm cho căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng trở lại.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng ghi nhận những tín hiệu tiêu cực. Phố Wall lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần, với các chỉ số chính đều giảm trên 3% khi mở cửa, do nhà đầu tư lo ngại dịch bệnh.
Trước đó, thị trường tài chính châu Á sáng nay cũng diễn ra với kịch bản tương tự. Các chỉ số chính trên thị trường Hàn Quốc như Kospi, Kosdaq hay KRX đều giảm xấp xỉ 4%. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm gần 2%.
Các thị trường khác như Singapore, Đài Loan, Ấn Độ, Việt Nam đều lao dốc mạnh. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương chốt phiên mất gần 3%.
Sau khi ngưỡng đỉnh cao 7 năm bị phá vỡ, xu hướng tăng giá của vàng sẽ rất bền vững và mục tiêu tiếp theo được các nhà đầu tư dự đoán sẽ là 1.700 USD/ounce, thậm chí còn có dự báo sẽ chạm 2.000 USD/ounce do các ngân hàng trung ương thế giới đua nhau nới lỏng chính sách tiền tệ.