Hơn 100 hiện vật dòng tranh dân gian Đông Hồ sẽ được giới thiệu tại Hà Nội

28/10/2019 11:43

Kinhte&Xahoi Từ ngày 31/10/2019 – 31/1/2020 tới đây, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), công chúng sẽ được chiêm ngưỡng, tìm hiểu hơn 100 hiện vật là tranh in cho đến các loại ván khắc, dụng cụ thực hành làm nghề dòng tranh dân gian Đông Hồ.

Căn cứ Quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 28/3/2017 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc Phê duyệt đề cương chi tiết xây dựng Hồ sơ ứng cử quốc gia đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp “Nghề tranh dân gian Đông Hồ”, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch giao phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức trưng bày, giới thiệu các hiện vật mang giá trị văn hóa làng nghề truyền thống mang chủ đề “Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay”.

Hơn 100 hiện vật dòng tranh Đông Hồ sẽ được giới thiệu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (ảnh minh họa, nguồn internet).

Với hơn 100 hiện vật là tranh in, ván khắc hay dụng cụ để làm tranh sẽ được Ban tổ chức bố trí, trưng bày ở 2 phòng tranh khác nhau theo từng nội dung cụ thể. Tại phòng tranh Đông Hồ xưa, trưng bày một số tranh in lưu giữ gần một thế kỷ và tranh in theo mẫu truyền thống được ưa chuộng, đó là hình ảnh các con vật quen thuộc trong tranh: Gà thư hùng, lợn ăn lá ráy…; hình ảnh em bé mũm mĩm trong tranh: Vinh hoa phú quý, nhân nghĩa, lễ trí… hay các vị anh hùng dân tộc, nhân vật truyền thuyết…

Phòng tranh còn lại là tập hợp tranh được phục chế trong thời gian gần đây và các sáng tác mới của một số nghệ nhân đương đại. Tranh phục chế là các mẫu được cho là đã thất lạc, lấy từ nguồn tư liệu của Maurice Durand, Henri Oger, Jean-Pierre Pascal. Bên cạnh đó là những bức tranh: Nghi xuân, sơn du, phúc lộc song toàn…; hình ảnh xã hội Việt Nam thời Pháp trong các bức tranh như Phong tục cải lương, văn minh tiến bộ…

Ban tổ chức mong muốn, đến với không gian trưng bày, giới thiệu các hiện vật “Tranh Đông Hồ xưa và nay”, công chúng và du khách phần nào hiểu được những giá trị văn hóa truyền thống của dòng tranh dân gian Đông Hồ, từ đó góp phần giữ gìn, bảo tồn loại hình tranh độc đáo này.

Vũ Cừ


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bình minh trên sông Hằng

Theo đúng lịch trình thì sau khi thăm vườn Lộc uyển ở Varanasi, chúng tôi sẽ ghé qua sông Hằng.

Sao không bảo tồn bằng phát triển du lịch?

Thực tế cho thấy, di sản càng không được để mắt tới, càng bị lãng quên càng dễ "biến mất". Trong khi đó, những di sản, di tích được sử dụng để làm du lịch có thể hài hòa giữa hai yếu tố: Bảo đảm kinh tế và bảo vệ di sản văn hóa.

Nguồn: HATAP