Lập gia đình - chuyện cá nhân thành quốc gia đại sự
Kinhte&Xahoi
Đâu là độ tuổi thích hợp nhất để lập gia đình? Ở Việt Nam, câu hỏi này lại càng “nóng” khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 588 phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”.
Ảnh minh họa
Theo đó, một trong những nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên cần thực hiện ngay là hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình như phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn, để sao cho khuyến khích được nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi...
Đâu là độ tuổi thích hợp nhất để lập gia đình?
Sở dĩ độ tuổi trung bình để kết hôn là 27,8 đối với nữ và 29,8 đối với nam được nhiều chuyên gia dân số và gia đình khuyên vì đa số các nhà khoa học đều cho rằng chất lượng của những “vật liệu” tạo nên đứa trẻ tương lai - tức trứng và tinh trùng liên tục giảm đi theo tuổi tác.
Nhóm các nhà khoa học của Viện Di truyền học deCODE đã tìm hiểu việc sinh con khi tuổi tác đã lớn có hại gì đến những đứa con bằng cách so sánh số các đột biến trong bộ gen của mẹ, bố và đứa con mới sinh trong 78 gia đình ở Ireland. Kết quả cho thấy trong bộ gen của mỗi đứa con những đột biến xảy ra không ngẫu nhiên mà hoàn toàn phụ thuộc vào tuổi tác của người bố.
Mỗi khi ông bố cứ tăng thêm một tuổi thì con cái buộc phải nhận thêm 2 đột biến mới (thường không có lợi) trong bộ gen của chúng. Số đột biến tăng 10% thì sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của con cái. Các bất thường tích lũy liên tục sau vài thế hệ sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
Ở Việt Nam, trao đổi với truyền thông, bác sĩ Hoàng Thuý Hải - chuyên gia chương trình “Cửa sổ tình yêu” cho rằng, hiện nay có hai xu hướng: Một là lấy vợ/chồng rất sớm, nhiều bạn mới học xong phổ thông đã kết hôn. Thứ hai là kết hôn rất muộn, hoặc là không kết hôn.
Theo bác sĩ Hải, nếu kết hôn sau tuổi 30 có rất nhiều vấn đề tác động đến chất lượng cuộc sống. Đầu tiên là vấn đề liên quan đến sức khỏe. Trước đây, phụ nữ có sức khoẻ tốt nhất, hoạt động cơ quan sinh sản tốt nhất khi ở 18-35 tuổi. Thế nhưng hiện nay, có rất nhiều chị em mãn kinh sớm, có người mới 35 tuổi đã có dấu hiệu mãn kinh.
Vì thế, sau tuổi 30 mới kết hôn thì chỉ còn một khoảng ngắn (3-5 năm) thời kỳ rực rỡ nhất cho đời sống tình dục cũng như sinh con. Chưa kể, người mẹ mang thai sau 35 tuổi còn đối diện nguy cơ tiền sản giật, dị tật thai nhi.
Tương tự, đối với nam giới sau 30 tuổi cũng vậy, hiện nay do áp lực công việc, sử dụng nhiều thiết bị công nghệ, lối sống dùng nhiều chất kích thích, lười luyện tập… ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động của cơ quan sinh sản nói chung và chất lượng tinh trùng nói riêng, gây khó khăn cho việc thụ thai tự nhiên.
Chính sách kịp thời
Việt Nam hiện có hơn 96 triệu người, là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới với tuổi thọ trung bình hơn 73 tuổi. Việt Nam đang giai đoạn dân số vàng, tức cứ 1 người phụ thuộc có 2 người đi làm.
Thế nhưng, với tốc độ già hóa đang tăng nhanh (tỉ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên ở mức cao, chỉ số già hóa 48,8%, tăng 2 lần so với năm 1999) thì giai đoạn dân số vàng sẽ không kéo dài bao lâu nữa. Như vậy, Quyết định 588 nhằm mục tiêu ứng phó với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng.
Nhận định trên báo chí về chương trình này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã cho rằng đây là bước chuyển đổi chính sách kịp thời. Thực trạng ở Việt Nam hiện tại già hóa dân số sẽ rất nhanh, thậm chí có thể nhanh hơn thế giới. Trong cấu thành của dân cư mà chủ yếu là người già thì các vấn đề an sinh xã hội sẽ rất nặng nề. Bên cạnh đó là đòi hỏi phải có nguồn nhân lực mới.
“Với việc khuyến khích người dân kết hôn, đẻ trước 30 tuổi và đẻ 2 con thì số lượng trẻ sinh ra gia nhập lực lượng lao động ít nhất cũng mất 20 năm tính từ bây giờ. Vậy nên chính sách này bắt buộc phải được đưa ra từ bây giờ, chậm hơn sẽ là muộn” – TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhận định.
Trong Quyết định 588, Thủ tướng yêu cầu bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trên cơ sở phân tích các yếu tố, Chính phủ thực hiện mục tiêu đến năm 2030 tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp… ông Dũng nhìn nhận định hướng này của Thủ tướng phục vụ cho mục tiêu nâng cao chất lượng dân số và nguồn lao động.
Cụ thể, chính sách đặc thù được áp dụng với từng vùng với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội khác nhau. Những nơi khó khăn, việc chăm sóc, đào tạo cho con trở thành nhân lực chất lượng cao tương đối khó. Nên khuyến khích đẻ ở những vùng này thì dân số có thể tăng, nhưng chất lượng nguồn nhân lực chưa chắc đã tăng.
Đối với địa phương có tỷ lệ sinh thấp như Hà Nội, TP HCM lại là các địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, xã hội. Đây là những môi trường đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho nguồn lao động chất lượng cao trong tương lai nên việc khuyến khích, tăng tỷ lệ sinh là phù hợp.