Nhiều cơ sở khám chữa bệnh tại Hưng Yên vượt dự toán khám chữa bệnh BHYT

17/09/2023 09:31

Kinhte&Xahoi Theo báo cáo của Sở Y tế Hưng Yên, năm 2018 có 13 cơ sở khám chữa bệnh BHYT vượt dự toán 42.337 triệu đồng, năm 2019 vượt tổng mức thanh toán là 27.180 triệu đồng, năm 2020 vượt tổng mức thanh toán là 31.115 triệu đồng, năm 2021 vượt tổng mức thanh toán là 41.854 triệu đồng.

Sở Y tế tỉnh Hưng Yên còn hạn chế trong việc chủ trì giải quyết những khó khăn của BHYT

Mới đây, Thanh tra Bộ Y tế đã ban hành kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Theo đó, liên quan đến việc tổ chức khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT), Sở Y tế tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi hoạt động chuyên môn được phê duyệt; phê duyệt danh mục dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT theo quy định.

Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt, cho phép các cơ sở khám chữa bệnh áp dụng các kỹ thuật mới, phương pháp mới theo quy định của pháp luật tại Thông tư 07/2015/TT-BYT ngày 03/4/2015; Cùng với đó, phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh ban hành hướng dẫn liên ngành số 1726/HD-SYT-BHXH ngày 24/12/2018 về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Ảnh minh hoạ. (Báo Chính phủ)

Qua thanh tra, Thanh tra Bộ Y tế đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế như: Tình trạng người bệnh vượt tuyến dựa trên chính sách thông tuyến huyện và thông tuyến tỉnh có xu hướng tăng.

Cùng với đó là tình trạng nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập nghỉ việc hoặc chuyển dịch sang y tế tư nhân có xu thế tăng dần.

Thanh tra Bộ Y tế cũng xác định còn nhiều khó khăn trong việc phát triển đồng bộ y tế cơ sở để đáp ứng được người dân yên tâm khám chữa bệnh tại 155 Trạm y tế, thuộc Trung tâm y tế.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ năm 2020 ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh BHYT của người dân cũng như cơ sở khám chữa bệnh BHYT.

Cơ quan thanh tra cũng xác định phần lớn người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại các y tế cơ sở, nhưng tỷ lệ người dân khám chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở chưa cao. Trong khi đó, người có thẻ BHYT tự vượt tuyến, đi khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các bệnh viện tuyến Trung ương còn cao, bao gồm cả các bệnh thông thường.

Các hướng dẫn chẩn đoán điều trị, quy trình chuyên môn kỹ thuật chưa được ban hành đầy đủ, cập nhật, bổ sung, đặc biệt nhiều bệnh có phác đồ điều trị được khuyến cáo thay đổi hằng năm.

Thanh tra Bộ Y tế cũng xác định một số khó khăn khi người bệnh sử dụng VssID, Căn cước công dân gắn chíp như: Một số người bệnh sau khi khám chữa bệnh xong không quay lại thanh toán, hoặc tự đi khám nhiều nơi trong ngày do không bị giữ Thẻ BHYT bằng giấy như trước đây.

Vấn đề trùng liên viện xảy ra khi người bệnh đang nằm nội trú tại bệnh viện này được gửi đi khám chuyên khoa tại cơ sở khác và có chỉ định nằm viện tại cơ sở đó, người bệnh không thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở cũ do không cần lấy thẻ BHYT.

Vai trò quản lý chuyên ngành lĩnh vực BHYT và tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về BHYT của Sở Y tế tỉnh Hưng Yên còn hạn chế trong việc chủ trì giải quyết những khó khăn, vướng mắc như việc thực hiện phương thức thanh toán theo đúng giá dịch vụ và quyết toán không vượt Tổng mức thanh toán; việc giám định BHYT và từ chối thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, việc chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật BHYT về tạm ứng kinh phí và thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT giữa BHXH Hưng Yên và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT.

Vượt dự toán

Liên quan đến thực trạng giao dự toán và tạm tính tổng mức thanh toán. Thanh tra Bộ Y tế cũng đã phát hiện: Năm 2021, tỉnh Hưng Yên được giao dự toán chi khám chữa bệnh BHYT là 849.558 triệu đồng, trong đó số chi khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế là 839.141 triệu đồng, số chi chăm sóc sức khỏe ban đầu là 10.417 triệu đồng.

Đến năm 2022 tỉnh Hưng Yên được giao dự toán chi khám chữa bệnh BHYT là 874.330 triệu đồng.

Ảnh minh hoạ (Báo Lao Động)

Theo thống kê về số liệu vượt dự toán, vượt tổng mức thanh toán từ 2018 đến thời điểm thanh tra theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Hưng Yên: Năm 2018 có 13 cơ sở khám chữa bệnh BHYT vượt dự toán 42.337 triệu đồng; Năm 2019 vượt tổng mức thanh toán là 27.180 triệu đồng; Năm 2020 vượt tổng mức thanh toán là 31.115 triệu đồng; Năm 2021 vượt tổng mức thanh toán là 41.854 triệu đồng.

Từ kết quả trên, theo Thanh tra Bộ Y tế, cần xem lại cơ sở pháp lý và thực chất, khách quan của việc giao dự toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho tỉnh Hưng Yên, đảm bảo theo đúng Luật BHYT.

Trong năm 2021 và năm 2022 tình trạng chậm thanh toán, chậm hoàn thanh thanh toán và chưa hoàn thành thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo hằng quý. Đặc biệt việc quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo năm tài chính đang chưa được thực hiện. Việc thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT chưa được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 32 Luật BHYT.

Còn tiếp...

 Thanh Bình - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Du lịch Thủ đô trên đà tăng tốc

Liên tục được vinh danh tại Giải thưởng Du lịch thế giới, Thủ đô Hà Nội đang tận dụng được những lợi thế sẵn có để tạo đà phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/nhieu-co-so-kham-chua-benh-tai-hung-yen-vuot-du-toan-kham-chua-benh-bhyt-d198508.html