Vườn quốc gia Chư Mom Ray có tổng diện tích là 56.249,2 ha, thuộc các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mo Ray, Thị trấn Sa Thầy của huyện Sa Thầy và xã Sa Loong, Bờ Y, Đắk Kan của huyện Ngọc Hồi.
Vườn quốc gia (VQG) là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, tồn tại 7 hệ sinh thái rừng chính là rừng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới và 5 hệ sinh thái rừng phụ là loại rừng trảng cỏ cây bụi, các kiểu rừng này là nơi tập trung của các loài thú móng guốc, thú ăn thịt...
Vọoc chà vá chân xám- một loài động vật quý hiểm trong Vườn Quốc Gia Chư Mom Ray.
VQG Chư Mom Ray có giá trị về bảo vệ môi trường, điều hoà khí hậu, nguồn nước và phòng hộ đầu nguồn cho thuỷ điện Pleikrong, Ya Ly, Sê San 3 và phát triển du lịch sinh thái. Đối với hệ thực vật, trong VQG Chư Mom Ray có tổng số loài đã phát hiện và ghi nhận tại là 1.895 loài thực vật, thuộc 541 chi, 184 họ.
Trong đó ngành Dương xỉ 178 loài, ngành thực vật Hạt trần 11 loài, ngành thực vật Hạt kín 1.302 loài và có 131 loài thuộc diện quý hiếm như: Giáng hương, Cẩm lai. Hệ động vật ghi nhận được 950 loài, trong đó: 120 loài Động vật có vú, 290 loài Chim, 42 loài Bò sát, 25 Lưỡng cư, 108 loài Cá nước ngọt, 365 loài Côn trùng.
Trong đó, có 176 loài thuộc diện quý hiếm đ¬ược ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Với sự đa dạng sinh học cao, VQG Chư Mom Ray là điểm đến của các nhà khoa học du khách tham quan, nghiên cứu. Hiện nay, vườn đã xây dựng một Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn các loại động, thực vật quý hiếm.
Theo đó, vườn đã tiến hành giao khoán 16.391 ha rừng cho 20 cộng đồng ở các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mo Ray, Sa Loong, Bờ Y, Đắk Kan bảo vệ. Thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về cây dược liệu và các loại cây quý hiếm như: Giáng hương, Cẩm lai nhằm xây dựng giải pháp bảo tồn bền vững.
Thực hiện các hạng mục chăm sóc 224 ha rừng trồng các năm 2013, 2014 và 2016; trồng mới 03 ha cây quý hiếm (trắc) để bảo tồn gen. Đồng thời, vườn thường xuyên sưu tầm, lưu giữ, chăm sóc hàng trăm loài lan rừng với số lượng khoảng 1.342 giò.
Vọoc chà vá đang được điều trị vết thương.
Tiến hành gieo ươm 5.200 cây bản địa (trắc, sao, dầu) để phục vụ cho công tác trồng bảo tồn nguồn gen thực vật quý hiếm. Bên cạnh đó, hệ động vật của Vườn cũng đa dạng với hàng trăm loài thuộc diện quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Chính vì vậy, công tác bảo vệ tránh khỏi sự xâm hại của con người và thiên nhiên luôn là thách thức đối với các cán bộ, nhân viên của vườn. Theo đó, trong năm 2018 Vườn đã tái thả 2 đợt: 28 cá thể; tiếp nhận: 13 đợt 94 cá thể ( trong đó Khỉ mặt đỏ: 03 cá thể, Vọoc chà vá chân xám 02 cá thể, Khỉ đuôi lợn 03 cá thể, Trăn 01 cá thể, Cu li 01 cá thể, Kỳ Đà 02 cá thể, Rùa 82 cá thể); Chuyển 01cá thế Voọc Chà Vá chân xám cho tổ chức bảo vệ ĐVHD (WAR số 303 ấp Lê Danh Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương).
Năm 2019, Vườn đã tiếp nhận cứu hộ 14 cá thể động vật hoang dã do các cơ quan chức năng xử lý chuyển giao (Công an, Kiểm lâm các huyện). Tổ chức thả về môi trường tự nhiên 88 cá thể sau cứu hộ đủ điều kiện thả về môi trường tự nhiên.
Tuy chứa đựng tài nguyên đa dạng sinh học cao nhưng những năm gần đây do biến đổi khí hậu và tác động của con người đã khiến nguồn tài nguyên thiên nhiên của VQG Chư Mom Ray bị ảnh hưởng không nhỏ.
Tình trạng khô hạn kéo dài khiến việc bảo tồn, phát triển rừng gặp không ít khó khăn. Lâm phần của vườn trải dài và giáp biên giớ nên địa hình hiểm trở gây khó khăn trong việc truy quét, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.
Tỷ lệ người dân vùng đệm còn cao, trình độ dân trí chưa cao nên việc tuyên truyền cho người dân không lấn chiếm rừng để làm nương rẫy gặp nhiều khó khăn. Trao đổi với Pháp luật Plus, Giám đốc VQG Chư Mom Ray cho biết: “Trong những năm qua, công tác bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học luôn được vườn thực hiệm nghiêm chỉnh, quyết liệt.
Thường xuyên gắn với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng, các loài động vật, thực vật bản địa, quý hiếm. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm Luật lâm nghiệp".