Phát triển điện ảnh bằng cách hạn chế phim nhập ngoại: Cách “bao bọc” liệu có hiệu quả?
Kinhte&Xahoi
Mới đây, trong một cuộc họp bàn về Dự thảo Luật Điện ảnh, nhiều ý kiến cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng phim nhập mỗi năm để bảo vệ phim Việt, tạo cơ hội cho điện ảnh Việt phát triển. Vấn đề là, liệu hạn chế phim ngoại thì phim Việt có nâng cao chất lượng được hay không?
Về nhà đi con- một bộ phim thành công thời gian qua
Theo lập luận của nhiều cán bộ Hội Điện ảnh TP HCM, việc hạn chế số lượng nhập khẩu phim ngoại vào Việt Nam là cách bảo vệ tốt cho điện ảnh trong nước, thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước tăng cường sản xuất phim Việt.
Theo con số từ Hội Điện ảnh TP HCM, năm 2018, phim Việt Nam sản xuất tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2012 (năm 2012: 16 phim, năm 2018: 37 phim), chiếm khoảng 25% đến 30% tổng số phim phát hành trong cả nước. Trong số đó, chỉ 10% phim Việt thu hồi được vốn.
Nguyên do khó thu hồi vốn thì nhiều: Chất lượng chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, rơi sai thời điểm, cạnh tranh phim ngoại. Tất nhiên, có yếu tố cạnh tranh phim ngoại, nhưng phim ngoại chỉ là một phần không lớn trong số đó. Điều quan trọng vẫn ở chất lượng phim và thị hiếu của người xem.
Nếu nhìn nhận khán giả Việt không chọn phim Việt vì có phim ngoại nhiều ngoài rạp, đó là nhận định khá thiển cận. Tất nhiên, nhiều lựa chọn cũng là một yếu tố “pha loãng” chú ý của người xem đến phim Việt, nhưng nếu bộ phim Việt gây thu hút, thì nhiều phim ngoại cũng không làm gì được.
Thực tế đã chứng minh, những thời điểm các bộ phim hot của điện ảnh Việt như Em là bà nội của anh, Em chưa 18, Tấm Cám, Cô ba Sài Gòn hay Chàng vợ của em… ra rạp, đã “đụng mặt” không ít phim ngoại, trong đó có cả bom tấn. Tuy nhiên, với sức hút của các bộ phim Việt này, đông đảo vẫn lựa chọn vào rạp xem phim Việt, khiến các bộ phim này đều ở những hàng top về doanh thu.
Việc hạn chế phim ngoại để tăng cường phim Việt, cái lợi có thể có trước mắt, nhưng nhiều ý kiến cho rằng sẽ là “lợi bất cập hại”, vì như thế nó đưa khán giả Việt vào thế ít đi sự lựa chọn. Trong khi, với khán giả, không chỉ “xem để mà xem”, mà vấn đề là chọn phim hay để xem.
Hạn chế lựa chọn tác phẩm điện ảnh ở góc độ nào đó cũng chính là hạn chế sự cạnh tranh, hạn chế thúc đẩy phát triển. Có cạnh tranh với phim ngoại, phim Việt mới nỗ lực hết mình để làm tốt, làm tốt hơn. Thị trường điện ảnh nếu không chú trọng đến cảm nhận của khán giả về chất lượng thì còn chú trọng đến điều gì?
Nhiều người ở Hội Điện ảnh cũng đưa ra dẫn chứng về việc Trung Quốc cũng hạn chế phim ngoại để bảo hộ phim trong nước. Nhưng những người đưa ý kiến cũng quên rằng, bản thân nền điện ảnh Trung Quốc là nền điện ảnh mạnh, xếp hàng top đầu thế giới.
Ngay cả khi hạn chế bớt phim ngoại thì lượng phim đầu tư chất lượng cao, quy mô của họ cũng rất nhiều và sự cạnh tranh tự thân trong nước cũng đã thúc đẩy được sự phát triển của nền điện ảnh. Các nước khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật… cũng vẫn “thả cửa” phim ngoại, vẫn đồng thời đầu tư cho nền điện ảnh trong nước đấy thôi.
Nếu có chính sách gì cho phim Việt, thiết nghĩ nên là sự kiểm soát không phải về mặt số lượng mà là nội dung phim ngoại. Bên cạnh đó, việc đặt ra những quy định để tạo điều kiện cho phim Việt phát triển, làm việc với các cụm rạp để không có tình trạng “o ép” phim Việt, đẩy phim vào khung giờ xấu, từ chối phim chất lượng… có thể mới là những đề xuất hữu hiệu khiến phim Việt được “nâng đỡ” một cách chân chính.