Theo đó, vào hồi 17h40 ngày 16/9/2023 giờ địa phương (tức 21h40 ngày 16/9/2023 giờ Việt Nam) tại Thủ đô Riyadh, nước Cộng hoà Ả rập Xê út, Uỷ ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức gõ búa công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới.
Thời khắc Ngài Chủ tịch Uỷ ban Di sản Thế giới Kỳ họp lần thứ 45 (TS. Abdulelad Al Tokhais - Ả-rập Xê-út) gõ búa tõ búa công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới.
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận Di sản Thế giới, bởi nơi đây chứa đựng các khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm các đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ và các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với các đặc điểm karst liên quan như các mái vòm và hang động. Cảnh trí ngoạn mục không bị tác động của các đảo có thảm thực vật che phủ, hồ nước mặn, đỉnh nhọn núi đá vôi với các vách dựng đứng nhô lên trên biển.
Với 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ (775 đảo đá vôi thuộc Vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc Quần đảo Cá Bà) được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước lấp lánh màu ngọc bích, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà hiện lên như một bàn cờ bằng đá quý; nước non trùng điệp, thanh bình; những bãi cát trắng mịn, tinh khôi.
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được xem là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản với giá trị nổi bật toàn cầu, nơi chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển của Trái đất. Nhiều hệ tầng trầm tích ở khu vực này chứa đựng các vết tích cổ sinh vật dưới các dạng hóa thạch khác nhau, trong đó có những nhóm ngành động, thực vật đã tuyệt diệt hoặc gần như tuyệt diệt trên trái đất.
Sự hiện diện của rừng nguyên sinh, vịnh và những hòn đảo trên vịnh là những minh chứng độc đáo về quá trình vận động, phát triển liên tục của dạng địa hình karst, hệ fengcong (cụm đỉnh chóp nón) và fenglin (các đặc điểm tháp bị cô lập) hình thành qua hàng triệu năm trong điều kiện nhiệt đới, ẩm, diễn tiến lớn từ các dãy núi cao xuống đến biển, nơi địa hình karst cuối cùng đạt tới mực xâm thực cơ bản.
Vẻ đẹp Vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú của Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là một khu vực tiêu biểu, có mức độ đa dạng cao của Châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển bao gồm: hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh; hệ sinh thái hang động; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái bãi triều; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái đáy mềm; hệ sinh thái hồ nước mặn. Các hệ sinh thái này đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học vẫn đang tiến hóa và phát triển, thể hiện qua sự đa dạng của các quần xã động thực vật.
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà còn là nơi chứa đựng một môi trường sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000ha cùng các hệ sinh thái đa dạng, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là điểm cư ngụ của 4.910 loài động thực vật trên cạn và dưới biển.
Như vậy, việc Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới (tháng 9 năm 2023), trở thành di sản thế di sản liên vùng đầu tiên giữa hai tỉnh thành ở Việt Nam.
Quần đảo Cát Bà tại TP Hải Phòng có 367 hòn đảo, được xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt năm 2013. Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận di sản tự nhiên thế giới lần thứ hai năm 2020 (lần đầu năm 2000). Hai khu vực này tiếp giáp nhau, có cảnh quan thiên nhiên tương đồng.
Năm 2013, UBND TP Hải Phòng lập hồ sơ đề cử riêng quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học. Tuy nhiên, UNESCO khuyến nghị nối dài quần đảo Cát Bà với vịnh Hạ Long thành một quần thể di sản. Năm 2016, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) có công văn khẳng định cần thiết mở rộng vịnh Hạ Long với quần đảo Cát Bà để xây dựng hồ sơ đề cử di sản thế giới.
Năm 2021, Chính phủ giao Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tiến hành các thủ tục cần thiết gửi hồ sơ đề cử di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà tới UNESCO.
Nguyễn Quang - Pháp luật Plus