Ứng xử văn minh nơi thờ tự
Kinhte&Xahoi
Đi lễ đầu năm là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng có từ lâu đời của người Việt Nam, là dịp để mỗi người tưởng nhớ cội nguồn, công đức tổ tiên, tri ân các bậc anh hùng, cũng như gửi gắm mọi điều mong ước về một năm mới tốt lành cho người thân và gia đình. Gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp đó của dân tộc, việc thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự tại Hà Nội đang ngày càng được người dân quan tâm, chú trọng nêu cao ý thức, trách nhiệm, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Du khách tham quan, vãng cảnh chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ). Ảnh: Giang Huy
Nhiều đổi mới trong văn hóa ứng xử
Khác với hình ảnh chen lấn thường thấy trong những năm trước, phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ) dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022 khá tấp nập, song vẫn bảo đảm trật tự, văn minh nơi thờ tự. Bà Phó Thị Minh Xuân (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) cho biết: “Phủ Tây Hồ là điểm đến tâm linh nổi tiếng ở Thủ đô, không chỉ thu hút người dân địa phương mà còn cả khách thập phương từ khắp nơi đổ về. Năm nay, điểm di tích dù thường xuyên đông đúc, song người đi lễ chấp hành khá tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Tình trạng lạm dụng đốt vàng mã nhiều và rải, cài tiền lẻ bừa bãi giảm rõ rệt”.
Tương tự, dịp đầu năm mới này, ở nhiều điểm đến tâm linh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội cũng cho thấy những chuyển biến trong văn hóa ứng xử nơi thờ tự. Tại đền Quán Thánh, chùa Hà, chùa Tảo Sách…, cùng với việc tổ chức phân luồng, giãn cách phòng, chống dịch Covid-19, Ban Quản lý di tích bố trí lực lượng ứng trực, nhắc nhở người dân chỉ thắp tối đa 3 nén nhang, không rải rắc tiền lẻ khắp nơi... Tại chùa Trấn Quốc, chùa Láng, đền Ngọc Sơn… việc bảo đảm phòng, chống dịch bệnh cũng như các quy định khác của di tích được siết chặt, với hệ thống “barie” ngay từ cổng, đi kèm nghiêm cấm các dịch vụ đổi tiền lẻ, các hình thức dâng cúng đồ mã lớn.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, người dân đi lễ với tâm trạng hoan hỉ sau thời gian dài phải tạm dừng tham quan, vãn cảnh vì dịch bệnh. Nhiều điểm di tích thu hút đông người, song không xảy ra tình trạng tranh chấp, xô đẩy. Ý thức giữ gìn cảnh quan, môi trường được nâng lên. Bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn một số hiện tượng chưa đẹp trong không gian tâm linh, như việc chơi bài, xin thêm tiền bồi dưỡng trên thuyền đò tại chùa Hương (huyện Mỹ Đức) chưa được xử lý dứt điểm; tình trạng người dân đứng ngoài đường bái vọng, gây cản trở giao thông trong ngày rằm tháng Giêng tại Tổ đình Phúc Khánh (quận Đống Đa); việc lạm dụng đồ mã lớn đã giảm, song chưa mang tính bền vững…
Nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng
Là nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam, đi lễ đầu năm làm phong phú đời sống tinh thần, nhân lên những giá trị nhân văn trong mỗi người. Để hình thành, lan tỏa nếp sống văn minh nơi thờ tự, các ban, ngành chức năng và cơ quan liên quan đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu, làm theo.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Bích Thủy, hiện tượng chen lấn, xô đẩy, thậm chí tranh giành lộc nơi thờ tự là do người dân thiếu hiểu biết về di tích, lễ hội cũng như văn hóa tâm linh. Cùng với việc ban hành nhiều văn bản về tăng cường giải pháp thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, Bộ cũng đã đề nghị các địa phương giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích, những nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống, giúp người dân hiểu, nâng cao ý thức trách nhiệm gìn giữ.
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan (Viện Nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam), do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc hạn chế đốt vàng mã trong cộng đồng chưa đem lại hiệu quả rõ rệt, cần tiếp tục có những giải pháp để đẩy lùi tình trạng này. “Có thể tuyên truyền và khuyến khích người đi lễ, thay vì bỏ tiền mua sắm vàng mã chuyển sang hình thức đóng góp vào các quỹ từ thiện, phúc lợi xã hội của đền, chùa…, nhằm thể hiện niềm tin tâm linh theo cách có ích hơn”, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, Sở đã tăng cường kiểm tra công tác tổ chức lễ hội ngay sau Tết, nhằm phát hiện kịp thời những bất cập. Sở cũng đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát hoạt động quản lý lễ hội trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, ngăn chặn nạn mê tín dị đoan, trục lợi lễ hội…
Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Bá Hiển cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng chục hành vi vi phạm tại di tích. “Chúng tôi đề nghị người dân khi phát hiện các vi phạm, phản ánh ngay với cơ quan chức năng theo số điện thoại đã được công bố hoặc báo cho Ban Quản lý để xử lý nghiêm theo quy định”, ông Nguyễn Bá Hiển nói.
Nguyễn Thanh - Hà Nội mới