Dạy và học qua mạng internet nói chung và dạy học trực tuyến nói riêng ở bậc phổ thông đang là lựa chọn hàng đầu trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp. Tại một số địa phương, ngành giáo dục và Đào tạo đã khuyến khích các cơ sở giáo dục triển khai các hình thức dạy học tiếp nối chương trình qua internet (gồm cả dạy online và bài giảng video).
Thế nhưng, thực tế quá trình dạy và học online thời gian qua đã nảy sinh nhiều bất cập về hạ tầng công nghệ, điều kiện học tập… khó khăn cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Học sinh học trực tuyến mùa dịch Covid-19.
Từ cuối tháng 3, khi nhà trường thông báo tổ chức dạy học online các môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ cho học sinh toàn trường, chị Nguyễn Giang Thanh ở phường Nam Đồng, quận Đống Đa đã mua thêm một máy tính để con trai đang học lớp 9 của chị có thể tham gia lớp học. Lớp học online của con chị được tổ chức miễn phí trên ứng dụng Zoom Cloud Meeting. Ưu điểm của lớp học online so với học qua bài giảng video đó là học sinh có thể tương tác với giáo viên và bạn học trong lớp. Thế nhưng, sự hứng khởi của con trai chị Thanh với việc học online đã sớm kết thúc bởi việc học diễn ra không thuận lợi, giờ học tùy thuộc vào giáo viên, đường truyền internet thường xuyên bị quá tải khiến cả giáo viên và học sinh liên tục bị out ra khỏi lớp học.
Chị Nguyễn Giang Thanh cho biết: "Khi con học qua phần mềm Zoom thì con có nói là con hay bị out ra khỏi nhóm. Việc mà phải vào đi vào lại nhiều lần diễn ra thường xuyên, như vậy vừa làm mất thời gian của con, thứ 2 là khiến bài giảng của cô không được liền mạch. Thêm phần nữa là con học thì qua Zoom thì thấy phần tập trung lời giảng không được hiệu quả".
Cũng gặp khó khăn khi con tham gia lớp học online, nhưng vấn đề của gia đình chị Nguyễn Minh Hương ở phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng lại khó giải quyết hơn. Con gái chị đang học lớp 3, khi con phải nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, gia đình chị đã gửi con về quê với ông bà ở Bắc Giang. Vì vậy, con phải tự xoay sở khi học trực tuyến mà không có sự hỗ trợ của bố mẹ, nên việc con không vào được lớp học, không ghi kịp bài giảng của cô giáo hay quên làm bài tập sau buổi học online thường xuyên diễn ra.
"Khi các cô dạy, có con vào được, có con không vào được, thế nên là tiếng nói với hình ảnh cũng không ổn định lắm, đang học lại bị out ra nên các con cũng không theo được. Các cô cũng bảo là có khả năng khi đi học lại là các cô không dạy lại phần bài đã học qua online nữa mà sẽ học tiếp luôn. Nhưng mình sợ là như thế các con cũng không theo được, vì là chất lượng hình với âm thanh trong phần học online quá kém, nó bị đứt đoạn. Bây giờ con ở quê, mà mình cũng không thể về quê đón con lên đây được", chị Nguyễn Minh Hương chia sẻ.
Để tránh tình trạng nghẽn đường truyền, một số phụ huynh ở các trường đã góp tiền mua bản quyền tài khoản trên các ứng dụng để tổ chức lớp học trực tuyến. Ưu điểm khi mua tài khoản riêng đó là đường truyền ổn định hơn, không bị giới hạn thời gian tổ chức lớp học là 40 phút như các gói miễn phí.
Dù vậy, theo chị Nguyễn Vân Anh ở quận Thanh Xuân, những khó khăn đối với quá trình học của học sinh vẫn tiếp diễn: "Thật sự khó khăn, bởi vì bản thân các con phải học giờ lúc 6h tối, cô cũng muốn tránh thời gian bị nghẽn mạng hay là bị chậm đường truyền ảnh hưởng đến việc học của các con. Thế nhưng mà thực sự 6h tối thì rất là khó khăn cho cả phụ huynh lẫn các con, vì giờ sinh hoạt ăn uống buổi tối, cũng như là phụ huynh như chúng tôi vẫn phải đi làm vào ban ngày, phải chạy về từ rất là để cho con có máy móc để học. Đối với môn tiếng Anh nhà trường có thể gộp vài ba lớp vào với nhau thì để học trực tuyến".
Có thể thấy, dạy và học online có nhiều ưu điểm hơn so với các hình thức dạy học từ xa khác như dạy học qua truyền hình, hoặc bài giảng qua video. Tuy nhiên, hiện chỉ có rất ít trường mua bản quyền các ứng dụng dạy học trực tuyến mà chủ yếu giáo viên vẫn tổ chức lớp học miễn phí trên các ứng dụng như: Zoom Cloud Meeting, Google Classroom, SHub Classroom…
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, học online là giải pháp hay, phù hợp trong thời điểm này, nhưng lại khó đạt hiệu quả như mong muốn do các cơ sở giáo dục chưa đầu tư bài bản, từ thiết bị công nghệ, đến hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và không phải gia đình nào cũng đáp ứng được các điều kiện thiết bị phục vụ học tập online. Vì vậy, gánh nặng trong việc khắc phục những khó khăn, bất cập của quá trình dạy và học online tiếp tục dồn hết lên giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh mà chưa có giải pháp tháo gỡ từ phía cơ quan quản lý./.