Di sản văn hóa - 'mỏ vàng' du lịch Việt

09/04/2023 09:46

Kinhte&Xahoi Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng kho tàng văn hóa đồ sộ, độc đáo trải dài hơn 4.000 năm lịch sử dân tộc, tất cả những điều đó góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia du lịch nổi tiếng thế giới với các di sản được UNESCO vinh danh.

Đặc sắc các di sản Việt được thế giới công nhận

Với phong cảnh thiên nhiên độc đáo, Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Cao nguyên đá Đồng Văn của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới, trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút bạn bè quốc tế.

Quần thể di tích Cố đô Huế hay Quần thể di tích Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào ngày 11/12/1993. Đô thị cổ Hội An được UNESCO đã công nhận đô thị cổ Hội An là một di sản văn hóa thế giới vào năm 1999.

Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam được UNESCO chọn là một trong các di sản thế giới tân thời và hiện đại vào năm 1999.

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Đông Kinh và tỉnh, thành Hà Nội bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Vào ngày 31/7/2010, UNESCO đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới.

Thành Nhà Hồ, nay thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam. Ngày 27/6/2011, Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Quần thể danh thắng Tràng An chính thức trở thành di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam năm 2014.

Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh gồm: Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào năm 2005, đến năm 2008 được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dân ca quan họ (Bắc Ninh, Bắc Giang) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 30/9/2009. Ca trù được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại năm 01/10/2009.

Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng (Hà Nội) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 16/11/2010. Hát Xoan (Phú Thọ) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 24/11/2011. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể được công nhận vào ngày 6/12/2012. Đờn ca tài tử Nam Bộ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào ngày 27/11/2014.

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là là di sản văn hóa phi vật thể được công nhận vào ngày 5/12/2013. Nghi lễ kéo co ở Việt Nam được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại ngày 02/12/2015. Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam được công nhận ngày 1/12/2016. Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ được công nhận năm 2017. Thực hành Then của người Tày, Nùng và Thái ở Việt Nam được công nhận năm 2019.

Di sản Tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới gồm: Mộc bản triều Nguyễn; 82 Bia Tiến sĩ thời Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội); Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang); Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh).

Cao nguyên đá Đồng Văn - Di sản thiên nhiên thế giới.
Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể Thế giới. (Ảnh minh họa)

Cần tránh tác động tiêu cực tới di sản

Cùng với đó, trên khắp cả nước có hàng vạn di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh là di sản cấp quốc gia, hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống; văn hóa ẩm thực của các vùng miền, dân tộc; di sản văn hóa, văn nghệ dân gian... Chính những di sản văn hóa, thiên nhiên đã góp phần đưa hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, thu hút đông đảo khách du lịch.

Đây chính là nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, đặc sắc cho các địa phương trên cả nước khai thác phát triển du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân. Nhờ đó, nhiều địa phương đã có tên trên bản đồ du lịch trong nước và được du khách quốc tế.

Có thể khẳng định di sản là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước, quốc tế đến tham quan.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, ba tháng đầu năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội đạt gần 5,9 triệu lượt, thu hơn 21.000 tỉ đồng từ khách du lịch. Còn du lịch Thừa Thiên Huế, chỉ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã đón khoảng 95.000 lượt khách, doanh thu từ du lịch ước đạt 150 tỷ đồng. Tổng kết 2 tháng đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đón 3,35 triệu lượt khách du lịch với tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 6.500 tỷ đồng...

Tuy du lịch tạo ra nhiều lợi ích cho mỗi địa phương nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng du lịch phát triển nhanh chóng mà không tuân theo quy hoạch, hướng tới phát triển bền vững sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, thậm chí có những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa, thiên nhiên, cảnh quan môi trường.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, trong xu hướng du lịch tăng trưởng mạnh như hiện nay, đặc biệt là du lịch đại trà đã và đang tác động tiêu cực tới di sản văn hóa. Ông Hà Văn Siêu cũng chia sẻ tình trạng du lịch có tính thương mại hóa quá mức, nhàm hóa giá trị văn hóa; nguy cơ phai nhòa bản sắc, phá vỡ truyền thống và lối sống địa phương; gia tăng chia rẽ cộng đồng, xung đột lợi ích, mâu thuẫn về quyền tiếp cận tài nguyên, trong đó có tài nguyên di sản văn hóa… đang là hồi chuông cảnh báo các bên liên quan đến quản lý bền vững tài nguyên di sản văn hóa trong phát triển du lịch.

TS. Trần Hữu Sơn - Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã đưa ra đề xuất: Các ngành chức năng cần xây dựng chính sách về công tác trùng tu, tôn tạo di tích, về bảo tồn di sản một cách linh hoạt, hiệu quả. Xây dựng chính sách về xã hội hóa hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích, trong đó quy định về quyền lợi và trách nhiệm của người đóng góp vốn trùng tu tôn tạo, quyền lợi và trách nhiệm của chính quyền địa phương quản lý di tích. Xây dựng các quy định về quản lý các loại quỹ minh bạch, công khai, khoa học và hiệu quả.

Các địa phương cần tiến hành xây dựng, hoàn thiện việc quy hoạch các điểm du lịch di sản, không để người dân tự phát, tự xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, du lịch lưu trú tại gia (homestay). Cần cân nhắc việc triển khai hoạt động du lịch tại một số di tích, di sản văn hóa dễ bị tổn thương, biến dạng trong quá trình phát triển. Trong quy hoạch du lịch, phải đặc biệt khuyến khích phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng, tôn trọng tính đa dạng văn hóa, tính chỉnh thể nguyên hợp của di sản văn hóa phi vật thể.

Trong Quyết định 1909/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành nhấn mạnh: Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Hoàn thành việc lập nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tập trung đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới, di tích lịch sử - văn hóa có giá trị tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch; Nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, phân loại di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một, ưu tiên di sản văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam; Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục di sản văn hóa trong và ngoài nhà trường bằng việc đa dạng hóa mô hình, phương thức, quy mô; tăng cường xã hội hóa hoạt động giáo dục di sản; Đổi mới và nâng cao hoạt động đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân; Tạo điều kiện cho nghệ nhân tham gia truyền dạy, quảng bá di sản trong cộng đồng ở trong nước và nước ngoài; Thực hiện số hóa và lập bản đồ số di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu. Nâng cấp và khai thác có hiệu quả ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Thùy Dương - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gạc Ma: 35 năm, một tượng đài bất khuất

35 năm trước, ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/di-san-van-hoa--mo-vang-du-lich-viet-d192243.html