Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này của một cơ sở giáo dục đại học trong nước, kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam. Nhóm tác giả gồm hơn 50 nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành đã làm việc với khối lượng dữ liệu lớn từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế cùng hơn 500 doanh nghiệp (DN) để đưa ra báo cáo này.
Kết quả nghiên cứu số liệu và khảo sát DN của NEU cho thấy, tác động của Covid-19 đến khu vực DN đã bắt đầu bộc lộ một cách rõ ràng trong tất cả các ngành. Có đến 93,9% các DN được điều tra đánh giá Covid-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khảo sát đã đề nghị các DN đưa ra 5 khó khăn lớn nhất đang gặp phải. Kết quả cho thấy, nhiều DN đang phải đối mặt với việc sụt giảm nguồn thu để bù đắp cho các chi phí khác (60,2% chịu tác động tiêu cực lựa chọn); hay hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành dưới mức bình thường (51,8% DN lựa chọn).
Bên cạnh đó, 43,4% DN trong số này gặp khó do không có nguồn thu; 39,4% không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh, ví dụ phải đóng cửa trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy định để phòng chống dịch.
Ngoài ra, 31,2% trả lời do hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được trong nước; 17,20% không xuất khẩu được. Các vấn đề về thiếu hụt vốn (36,7% DN lựa chọn), thiếu hụt nguyên liệu sản xuất cũng là một khó khăn lớn, đặc biệt nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu (29,1% DN lựa chọn).
Sụt giảm doanh thu đang là khó khăn lớn nhất mà nhiều DN gặp phải. Cụ thể, 20,2% DN chịu ảnh hưởng tiêu cực cho rằng doanh thu của mình sụt giảm từ 80% trở lên; 28,4% bị sụt giảm từ 50-80% doanh thu; 34,9% sụt giảm từ 30-50%; 13,9% sụt giảm từ 10-30% và chỉ có 2,7% DN bị sụt giảm dưới 10% doanh thu.
Trong khi doanh thu bị sụt giảm nặng nề, các DN vẫn phải gánh chịu nhiều khoản chi phí lớn. Kết quả khảo sát cho thấy, chi phí nhân công lao động đang là khoản lớn nhất của 34,5% DN dưới tác động của dịch Covid-19. Tiếp theo là khoản chi trả lãi vay ngân hàng (25,0%), chi phí hoạt động thường xuyên (20,6%), chi phí thuê mặt bằng (17,9%).
Mặc dù các DN đã có nhiều hành động nhằm đối phó với ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục, nhiều nguy cơ xấu có thể xảy ra. Theo đánh giá của các DN, dịch bệnh càng kéo dài, khả năng phá sản càng cao.
Trong nỗ lực giúp các DN và người lao động khỏi những tác động tiêu cực của dịch bệnh, ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CTTTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Khảo sát của NEU cho thấy nhìn chung, các chính sách đều được các DN đánh giá cao. Tuy nhiên, dường như chưa có chính sách nào vượt trội hơn cả nhằm đáp ứng nhu cầu của số đông DN.
Đáng chú ý, khảo sát của NEU về ý kiến của các DN về các giải pháp hỗ trợ bổ sung khác cho thấy bên cạnh các giải pháp đã tổng kết ở trên, các DN để xuất tập trung một số nội dung sau: Nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh; Giảm thuế, miễn thuế, chi phí thuê mặt bằng thay vì chỉ là giãn, tạm hoãn; Nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ đã ban hành; Có giải pháp bình ổn giá nguyên vật liệu; Giảm giá các đầu vào thiết yếu như điện, xăng dầu…
Còn có các đề xuất: Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN và tiền thuê đất; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ; Miễn, giảm lãi, phí ngân hàng; Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính cho DN; Hỗ trợ cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi (hoặc cho nợ lãi); Tạm dừng đóng BHXH, kinh phí công đoàn; Không tăng chi phí điện, nước; Tạm dừng thu phí cơ sở hạ tầng; Ngừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong thời gian này; Ổn định lạm phát.