Lựa chọn hàng đầu của người dân Việt Nam
Kết quả khảo sát sau 12 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho thấy, có trên 70% khách hàng khi được hỏi đều ưu tiên lựa chọn hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Cũng theo báo cáo của Bộ Công thương, hiện hàng Việt đã chiếm lĩnh chủ yếu ở các kênh phân phối trong nước, chỉ riêng nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu đã đạt trên 80%, nhóm hàng nông sản đạt trên 90%...
Bà Vũ Lan Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Hương Việt Sinh (đơn vị quản lý, khai thác Điểm giới thiệu sản phẩm OCOP quận Long Biên) cho biết: Dù cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP mới đi vào hoạt động nhưng đã thu hút một lượng lớn doanh nghiệp đóng trên địa bàn giới thiệu hơn 100 sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội và các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Lào Cai, Hải Dương…
Là người thường xuyên lựa chọn những sản phẩm OCOP để sử dụng, chị Lê Trà Giang (ở Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Mặc dù đã nghe đến các sản phẩm OCOP có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm song tôi không biết địa điểm mua hàng, đâu là sản phẩm được cơ quan chuyên môn công nhận. Do đó, từ khi biết có cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn quận Long Biên hoạt động tôi đã dễ dàng tiếp cận sử dụng sản phẩm...".
Nhờ việc đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên dần từng bước hình thành nét đẹp văn hóa trong sản xuất, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt Nam trong cộng đồng dân cư
Tương tự, chị Nguyễn Ngọc Hoa (ở Trường Lâm, Đức Giang, Long Biên) cho hay: "Từ lâu, gia đình tôi đã luôn lựa chọn các sản phẩm đặc trưng của các vùng miền để sử dụng thay vì những sản phẩm nhập khẩu được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Lý do lựa chọn các sản phẩm nông sản Việt Nam là bởi có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, phù hợp với khẩu vị của các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, việc lựa chọn các sản phẩm nông sản Việt còn góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao chất lượng, mẫu mã để đem sản phẩm đến với đông đảo người dân".
Nói về những lợi ích mà hệ thống cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP mang lại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho biết: "Sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, các điểm bán và giới thiệu sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đem lại hiệu quả tích cực. Các điểm bán sản phẩm OCOP là nơi hội tụ những sản phẩm đặc trưng vùng miền, trở thành cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng".
Đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cuộc vận động
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội, thời gian qua, Ban Chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo toàn diện công tác tuyên truyền phù hợp với yêu cầu chống dịch COVID-19; Đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng; Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương bị ảnh hưởng trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội.
Các doanh nghiệp phân phối bán lẻ lựa chọn các điểm bán hàng mở cửa trở lại phục vụ Nhân dân dịp trong và sau Tết, hạn chế tình trạng "thổi" giá tại các chợ truyền thống, góp phần giữ giá bán ổn định. Đặc biệt, nhằm bảo đảm nguồn hàng đáp ứng tốt nhu cầu của Nhân dân, thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối hàng Việt và sàn thương mại điện tử, hỗ trợ phân phối sản phẩm hàng Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử; Đồng thời, triển khai hiệu quả các hoạt động liên kết vùng, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố…
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 298/KH-UBND (ngày 24/12/2021) về kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội năm 2022.
Trong đó, thành phố sẽ đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc tổ chức các chương trình theo kế hoạch của thành phố; Tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng thương mại, nâng cấp cải tạo hệ thống chợ, mở rộng mạng lưới bán hàng, điểm bán hàng, đại lý; Phát triển hệ thống bán lẻ phục vụ nhu cầu của Nhân dân…
Thành phố Hà Nội sẽ đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Đánh giá cao vai trò nổi bật của các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo như Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tổ chức các hoạt động cụ thể đẩy mạnh cuộc vận động, kết nối cung cầu, đưa hàng Việt Nam đến người tiêu dùng, nhất là vùng sâu, vùng xa…
Trong năm 2022, các đơn vị thành viên tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, đổi mới phương thức tuyên truyền cuộc vận động; Chú trọng giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt chất lượng cao, nhất là các sản phẩm được bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”.
Đồng thời, các đơn vị cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, vận động doanh nghiệp triển khai bán hàng lưu động, đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, khu vực ngoại thành, cũng như các chương trình kích cầu nội địa, kết nối giao thương, phát triển các kênh phân phối hàng Việt ở nước ngoài…
Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022
Bộ Công thương vừa công bố Quyết định số 281/QĐ-BCT, ban hành Kế hoạch tăng cường triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022.
Kế hoạch tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; Từ đó, tạo chuyển biến về ý thức trong nhân dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ chức kinh tế - xã hội, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có chất lượng.
Kế hoạch vận động toàn xã hội hướng đến tinh thần yêu nước và khích lệ tinh thần vươn lên, cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam qua đó, nâng cao vị thế, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam, hướng tới hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam và tự hào sử dụng hàng Việt…
Bên cạnh đó, kế hoạch hướng tới tạo nền tảng và môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đóng góp, tăng trưởng kinh tế thông qua hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý minh bạch. Chú trọng vai trò quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các địa phương...
Thanh Tùng - TTTĐ