Bảo Hiệu (Yên Thủy-Hòa Bình): Khai thác tài nguyên trái phép, chính quyền bất lực?

11/11/2019 09:21

Kinhte&Xahoi Gần đây, việc khai thác tài nguyên khoáng sản và tái chế dầu trái phép xảy ra giữa ban ngày tại địa bàn xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình gây nhiều bức xúc trong nhân dân nhưng không hiểu sao chính quyền vẫn tỏ ra “bất lực”?

Theo phản ánh của người dân địa phương, tình trạng khai thác than, quặng Cilic và tái chế dầu trái phép diễn ra công khai tại xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình nhưng chính quyền vẫn “làm ngơ” để cho việc này tồn tại khiến dư luận dấy lên nghi ngại có hay không dấu hiệu bao che, “ lợi ích nhóm” ở đây?


Nhiều người dân cũng đã phản ánh lên chính quyền nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm, có hiện tượng “đánh trống bỏ dùi” và "làm cho có” chứ không kiên quyết. Như vậy là tài nguyên của đất nước cứ mất đi hàng ngày và nguồn lợi thu được đang chảy vào túi một nhóm lợi ích. Chẳng những vậy, việc tái chế dầu thải loại cũng được nhóm người kia hoạt động ngay tại khu vực khai thác mỏ than và quặng Cilic trái phép, tạo ra một khu vực rộng lớn với các hình thức sai phạm khác nhau.

Để xác minh các thông tin do bạn đọc phản ánh, ngày 16/10/2019, PV đã có buổi làm việc với chính quyền địa phương. Qua trao đổi, ông Bùi Văn Xâm - Chủ tịch xã Bảo Hiệu cho biết: Về việc khai thác than trái phép, Công an huyện đã lập biên bản thu giữ một số đồ vật có liên quan đến việc khai thác than và đã xử lý trả lại tang tài vật cho đối tượng vi phạm, hiện tại tình trạng khai thác than đã không còn nữa. Còn việc khai thác quặng Cilic thì ông Xâm chỉ biết là trước kia có thấy họ múc đất, còn mang đi đâu thì không rõ, trong đất có quặng hay không thì không biết và xã đã lập biên bản xử lý hành chính. Liên quan đến việc tái chế dầu, ông Xâm cũng thừa nhận hiện tượng nấu dầu vẫn còn và xã đã có lập biên bản nhưng chưa xử lý được vì chưa biết áp dụng vào điều khoản nào (?!).

Từ sau khi PV có buổi làm việc với chính quyền xã Bảo Hiệu cho đến nay, PV vẫn liên tục nhận được nhiều thông tin phản ánh về tình trạng khai thác than, quặng Cilic và tái chế dầu trái phép, sự việc diễn ra cả ban ngày lẫn ban đêm nhưng vẫn không thấy chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng xử lý. Liệu có biểu hiện bao che, bảo kê cho các đối tượng hoạt động trái phép hay không?


Tại điều 227, Bộ luật hình sự 2015 có qui định về tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên như sau:

1. Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thuỷ, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;

b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 trở lên;

c) Có tổ chức;

d) Gây sự cố môi trường;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 04 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

e) Làm chết người.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

Để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong việc khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản của Quốc gia và hành vi tái chế dầu trái phép, có dấu hiệu làm hàng giả, dầu giả từ việc tái chế dầu thải loại rồi lại bán ra thị trường, đòi hỏi các cơ quan chức năng  của tỉnh Hòa Bình và chính quyền địa phương cần kiên quyết, nhanh chóng vào cuộc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các số báo tiếp theo.

PVĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: KD&PL