Những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” trên tuyến đầu chống đại dịch Covid-19

05/04/2020 11:02

Kinhte&Xahoi Gần 600 gương mặt với những trạng thái, cảm xúc khác nhau nhưng tựu chung lại là niềm vui khi thực hiện xong 14 ngày cách ly. Đó là những gì chúng tôi cảm nhận được khi đến với khu cách ly Tứ Hiệp – Pháp Vân (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong sáng 4/4. Đây có lẽ là thành quả và sự đền đáp lớn nhất đối với những sy sinh to lớn của các cán bộ, chiến sỹ của Bộ Tư lệnh Thủ đô và các lực lượng làm nhiệm vụ ở đây trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.

 Thượng tá Nguyễn Văn Bính (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn người dân ra đúng xe bus để về nhà.

Bao giờ không còn người cách ly mới về với gia đình

Chạy xe chừng hơn 10km chúng tôi đến được với khu cách ly Tứ Hiệp – Pháp Vân. Mặc dù mới 7 giờ sáng và trời Hà Nội đang mưa nhưng hàng rào barie đã được mở, các chiến sĩ đã vào vị trí chốt trực và các bàn làm thủ tục đã sẵn sàng. Đây là những hình ảnh đầu tiên tôi cảm nhận được khi đến khu cách ly này. Sự ngăn nắp, gọn gàng, quy củ, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân được nhanh tróng trở về đoàn tụ với gia đình. Có đến đây, chúng tôi mới hiểu hết được những cán bộ, chiến sỹ và tình nguyện viên nơi đây đã phải hy sinh cuộc sống cá nhân nhiều như thế nào để góp phần cùng cả nước chống dịch.

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Bính - Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự quận Hoàng Mai (thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô) cho biết, bắt đầu từ ngày 19/3, UBND TP Hà Nội đã trưng dụng nhà A1 - Chung cư sinh viên Tứ Hiệp - Pháp Vân được sử dụng cho mục đích tổ chức cách ly đối với những người từ nước ngoài về Việt Nam theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Khu cách ly này có 252 phòng và đáp ứng quy mô lưu trú cho 2.000 người. Với 19 tầng của tòa nhà, TP Hà Nội quyết định sử dụng tầng 1 làm khu vực nấu ăn; các tầng 2 - 3 là nơi làm việc của các lực lượng và từ tầng 4 - 19 sử dụng làm nơi cách ly. Tính đến thời điểm này, UBND quận Hoàng Mai phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp nhận cách ly tại khu cách ly Tứ Hiệp – Pháp Vân với gần 1.900 người về từ các quốc gia có dịch.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Bính, tiếp quản và thực hiện nhiệm vụ tổ chức cách ly y tế cho công dân trở về nước phòng, chống dịch Covid-19 trong khoảng thời gian ngắn nhưng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nói chung và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang quận Hoàng Mai nói riêng đã khắc phục mọi khó khăn. Chính vì thế, việc tổ chức cách ly cho gần 1.900 công dân trong những ngày qua đã diễn ra tốt đẹp. 

Để hoàn thành công việc được giao, Ban Chỉ huy quân sự quận đã phối hợp với công an và các lực lượng chức năng rất nhịp nhàng. Ngoài ra, còn huy động lực lượng dân quân các phường trên địa bàn cùng vào cuộc để hàng ngày đảm nhiệm phục vụ những bữa cơm, dọn dẹp các phòng ở khu cách ly bảo đảm an toàn, vệ sinh. Tại điểm cách ly, việc sinh hoạt cá nhân của mọi người được thực hiện rất quy củ, gần giống như trong quân đội. Đồ ăn chia theo suất và được cán bộ, chiến sỹ mang lên từng phòng để tránh tập trung đông người.

“Gần một tháng qua, tất cả từ cán bộ, chiến sỹ đến bác sĩ, đội ngũ lực lượng dân quân trong khu cách ly đều làm việc không có ngày nghỉ và cũng chưa ai được về thăm gia đình. Cường độ làm việc cao khiến đôi lúc thấy mệt mỏi nhưng với tinh thần “Vì Nhân dân phục vụ”, cán bộ, chiến sĩ cùng các lực lượng tại đây đều làm việc tận tâm, trách nhiệm và coi người dân cách ly như người thân trong gia đình. Tất cả chúng tôi đều xác định rõ nhiệm vụ: Bao giờ hết dịch và không còn người cách ly mới về với gia đình” - Thượng tá Nguyễn Văn Bính chia sẻ.

 Dân quận tự vệ Tạ Xuân Lâm phụ giúp người dân vận chuyển đồ ra xe.

Hạnh phúc khi người dân được bình an về nhà

Là một trong những người trực tiếp phục vụ, tiếp xúc với những công dân được cách ly, dân quân tự vệ sinh năm 2003 (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai) Tạ Xuân Lâm chia sẻ, hàng ngày anh cùng mọi người trong đội dậy từ 6 giờ để chuẩn bị bữa sáng cho người dân. Sau đó, thay phiên nhau trực ở hành lang các tầng được phân công để giúp đỡ khi người dân cần. Đồng thời, hỗ trợ đội ngũ y tế đi kiểm tra sức khỏe mọi người.

Sau khi phát cơm trưa, dọn dẹp rác thải sinh hoạt cho người cách ly, Lâm cùng đồng đội mới dùng bữa trưa và được nghỉ ngơi khoảng 1 giờ. Công việc buổi chiều và tối của cũng tương tự. Sau khi ăn tối, vệ sinh cá nhân xong là khoảng 21 giờ, đội dân quân lại thay nhau trực đêm tại sảnh tầng 1 của tòa nhà nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực cách ly.

Theo chia sẻ của Lâm, việc tiếp xúc với những người đang cách ly cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, lực lượng dân quân đều được chuẩn bị rất cẩn thận, kỹ lưỡng đồ bảo hộ và duy trì khoảng cách an toàn để giảm nguy cơ lây nhiễm xuống mức thấp nhất có thể.

“Về tâm lý, nói thật là lúc đầu cũng lo lắng lắm nhưng là dân quân tự vệ nên nhiệm vụ nào được giao cũng phải nỗ lực hoàn thành. Nếu dịch không được khống chế, người nhiễm bệnh có thể là mình rồi đến gia đình mình và cả xã hội, vì vậy, anh em động viên nhau cùng cố gắng làm tốt công việc của mình. Công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự chu đáo. Mỗi lần tiễn mọi người hết thời gian cách ly trở về nhà cũng là niềm vui chung của anh em vì thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ” - Tạ Xuân Lâm cho biết.

Bữa cơm sáng ngày 4/4 của những công dân thực hiện cách ly tại khu cách ly Tứ Hiệp – Pháp Vân vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng như 14 ngày qua nhưng trong lòng mỗi người đều lưu luyến, bâng khuâng. Vừa thu dọn đồ ăn sau bữa sáng nhưng Lâm vẫn không quên tranh thủ hỏi mọi người để rút kinh nghiệm trong công tác phục vụ. Tất cả người dân thực hiện cách ly tại đây đều bày tỏ niềm vui, sự lưu luyến, cảm động khi sắp được về nhà và cũng không quên cảm ơn tinh thần phục vụ “Vì Nhân dân quên mình” của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô trong những ngày qua. Nghe những lời bộc bạch chân thành đó, Lâm cho biết, bản thân thấy nhẹ nhõm và mọi mệt mỏi gần một tháng qua tan biến.

 Người dân hoàn tất thủ tục cuối cùng trước khi trở về nhà.

Cách ly để gần nhau hơn

May mắn khi là một trong số gần 600 người được về với gia đình trong sáng 4/4, Đặng Hiền Mai – một du học sinh về từ Tây Ban Nha cho biết, 14 ngày cách ly Mai không phải là những ngày dài đằng đẵng, ngược lại, từ việc không quen biết nhau, Mai và các bạn cùng phòng đã trở nên thân thiết, nói chuyện, chia sẻ với nhau nhiều hơn. 

“Đã quen sống tự lập khi ở nước ngoài nhưng trong suốt 14 ngày qua được phục vụ cơm ăn, nước uống ngay tại phòng nghỉ, bản thân tôi đi từ ngỡ ngàng đến xúc động. Hôm qua, khi biết sắp được về tôi cảm thấy rất vui và chỉ biết chúc đội ngũ y tế, cán bộ, chiến sĩ ở đây sức khoẻ để chống dịch cùng cả nước” - Đặng Hiền Mai chia sẻ.

Sau khi hoàn tất thủ tục, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Huệ (ở Tuyên Quang) đã tranh thủ nhờ người bạn cùng phòng chụp giúp mấy tấm hình để làm kỷ niệm. Chị Huệ cho biết, hai mẹ con chị bay từ Nga về sân bay Nội Bài thì được yêu cầu thực hiện cách ly. Trước khi về khu cách ly, chị vô cùng hoang mang bởi sợ khó khăn trong việc chăm sóc con nhỏ. Thế nhưng khi tận mắt chứng kiến hình ảnh cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội ngày đêm đảm bảo cuộc sống cho người dân trong khu cách ly, chị cảm thấy 14 ngày qua là thời gian thật ý nghĩa khi được đón nhận tình cảm nồng ấm và tinh thần phục vụ tận tình. 

“Trở về nước khi dịch Covid-19 ở giai đoạn cao điểm nhưng chúng tôi vẫn được Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội quan tâm chu đáo nên rất xúc động và cảm thấy cách ly giúp mọi người gần nhau hơn. Chúng tôi cũng đã quyên góp tiền để ủng hộ các chiến sỹ chống dịch ở đây nhưng các chiến sỹ đều đã từ chối. Nhất định, khi trở về gia đình, tôi sẽ thực hiện việc quyên góp qua điện thoại hoặc có thể bằng hình thức nào khác tại địa phương để góp phần vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước” - chị Huệ xúc động nói.
 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/nguoi-linh-bo-doi-cu-ho-tren-tuyen-dau-chong-dich-covid-19-380016.html