Hàng loạt phụ nữ mất tiền tỷ vì say đắm “người tình trên mạng”
Kinhte&Xahoi
Tin vào những lời đường mật và hứa hẹn trên facebook của các “việt kiều Mỹ” sẽ sang Việt Nam chung sống, nhiều phụ nữ đơn thân đã tiền mất tật mang. Đáng nói, không ít nạn nhân là người có địa vị, trình độ, có người là doanh nhân, nhà giáo, luật sư, nhân viên ngân hàng… nhưng vẫn sập bẫy nhóm lừa đảo do Nguyễn Thị Hằng cầm đầu. Nhiều người đã bị sang chấn tâm lý, phát bệnh sau khi bị lừa số tiền lớn.
Cú lừa của “người tình trên mạng”
Những ngày giữa tháng 6, phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An đang tiếp tục truy tìm các bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhắm vào những phụ nữ đơn thân do Nguyễn Thị Hằng (SN 1988, ngụ phường Quán Bàu, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) cùng đồng bọn thực hiện. Cơ quan chức năng đánh giá có hơn 100 phụ nữ là nạn nhân của đường dây lừa đảo có sự tham gia của một số đối tượng người nước ngoài đóng giả doanh nhân thành đạt người Mỹ.
Hiện Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao đã xác định được 13 nạn nhân với số tiền bị chiếm đoạt gần 20 tỷ đồng. Trong đó, người bị chiếm đoạt ít nhất là 4 triệu, người bị lừa nhiều nhất là gần 12 tỷ đồng. Với nạn nhân bị lừa đảo số tiền nhiều nhất, người này ở TP Hồ Chí Minh – là doanh nhân khá thành đạt nhưng lại muộn đường tình duyên.
Một ngày đầu năm 2020, bà được người đàn ông châu Âu nhắn tin vào Messenger bắt chuyện. Người này giới thiệu tên là Peter, người Mỹ, hiện là doanh nhân, làm việc trong lĩnh vực xây dựng ở Malaysia. Xa nhà, thiếu thốn tình cảm của người thân, Peter tìm kiếm bạn tâm tình trên mạng.
Sau cuộc “gặp gỡ” định mệnh trên thế giới ảo, đều đặn mỗi ngày, người phụ nữ này nhận được dòng tin nhắn hỏi han của Peter vào lúc sáng sớm và đêm khuya. Những lời ngọt ngào của người đàn ông này khiến trái tim chai sạn, sành sỏi trên thương trường của bà dần bị đánh gục. Thỉnh thoảng, Peter gọi điện qua Messenger với diện mạo là người đàn ông da trắng, to cao, đẹp trai khiến trái tim nữ doanh nhân này thổn thức.
Niềm tin về tình yêu xuyên biên giới của bà càng được cũng cố khi Peter bày tỏ tình cảm và hứa hẹn lúc nào dự án ở Malaysia kết thúc sẽ sang Việt Nam “tính chuyện trăm năm” với bà. Bị tình yêu mê hoặc người phụ nữ này hoàn toàn tin tưởng mà không hề biết mình đang bị dẫn dụ vào chiếc bẫy “người tình doanh nhân” kia đã giăng sẵn.
Lừa đảo được khoản tiền kếch xù, Hằng tiêu xài sang chảnh như một doanh nhân.
Cuối tháng 3/2020, Peter bỗng ít nhắn tin hơn trước. Lo lắng, bà hỏi thì “doanh nhân người Mỹ” trên cho biết đang vướng mắc về kinh phí thực hiện dự án. Hiện khoản đầu tư hơn 2 triệu USD đang mắc kẹt trong ngân hàng, phải cần một khoản kinh phí “bôi trơn” để giải ngân cho dự án. Nghe người yêu trên mạng trình bày hoàn cảnh khó khăn khiến bà không thôi lo lắng. Nắm được tâm lý, gã “doanh nhân người Mỹ” quyết định “đánh cú chót”. Hắn đề nghị bà cho vay 30.000 USD làm phí bôi trơn để kinh phí sớm được giải ngân.
Trước lời hứa hẹn xây dựng hạnh phúc dài lâu của người tình trên mạng, bà đã chuyển khoản tiền dự trữ của công ty cho “người yêu” thông qua một tài khoản ngân hàng là “nhân viên” của anh ta tại Việt Nam. Liên tiếp trong vòng chưa đầy 1 tháng, với lí do thúc đẩy giải ngân để dự án sớm hoàn thành, Peter đã 19 lần đề nghị bà cho vay tiền.
Để có tiền gửi người tình trên mạng, bà đã sử dụng hết nguồn ngân quỹ công ty, tiền cá nhân và vay mượn khắp nơi. Khi số tiền gửi cho người tình lên tới 500.000 USD và không thể vay mượn được ở đâu nữa thì cũng là lúc người tình đột ngột cắt đứt liên lạc. Cuống cuồng tìm mọi cách để liên hệ nhưng Peter đã biến mất. Lúc này, bà suy sụp khi biết mình đã bị lừa. Uất ức vì bị lừa cả tình lẫ tiền khiến người phụ nữ này lên cơn tai biến, phải nhập viện cấp cứu và điều trị một thời gian dài tại bệnh viện.
Vạch trần thủ đoạn lừa đảo
Cũng theo thiếu tá Đức, đây là một trong những kịch bản mà Nguyễn Thị Hằng và người tình của Hằng là Njoku Peter Chikere (SN 1983, quốc tịch Nigieria, hiện sinh sống tại Malaysia) cùng đồng bọn thực hiện để lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.
Theo các điều tra viên, trong đường dây lừa đảo này, một số nạn nhân vẫn bị mất tiền bằng thủ đoạn cũ. Cụ thể như sau, nạn nhân sẽ được một đối tượng người nước ngoài nhắn tin qua mạng xã hội làm quen, hứa hẹn tình cảm sau đó thông báo gửi các món quà có giá trị.
Một đối tượng khác sau đó sẽ đóng giả nhân viên hải quan sân bay, bưu điện thông báo về món quà và đưa ra một số lý do khiến hàng bị “tắc” tại sân bay.
Từ đó, yêu cầu các nạn nhân đóng một số khoản phí, tiền phạt. Hám lợi trước món quà có giá trị, các nạn nhân nhanh chóng sập bẫy, gửi một khoản tiền lớn cho các đối tượng và bị chiếm đoạt. Ngoài ra, trong quá trình điều tra sâu vào vụ án, các điều tra viên không khỏi ngỡ ngàng bởi nhiều người bị sập bẫy lừa đảo với những lý do “không tưởng”.
Trong đó, có nạn nhân được các đối tượng lừa đảo trong vai doanh nhân, kỹ sư người Mỹ thông báo bị ốm, mượn tiền để đi chữa bệnh. Khi làm việc với công an, chị này vẫn tâm sự “biết họ ốm đau bệnh tật mà không giúp đỡ thì cảm thấy có lỗi”.
Thậm chí, các đối tượng lừa đảo dựng lên một vở kịch bị bắt cóc để mượn nạn nhân tiền chuộc thân. Trong đó, đối tượng nước ngoài sẽ gọi điện cho nạn nhân thông báo đang bị bắt cóc ở Thái Lan và bị đòi 20-30 nghìn USD tiền chuộc. Để thêm phần ly kỳ, các đối tượng cho biết, nếu không đóng tiền chuộc, không kịp thời gian làm thủ tục với ngân hàng để giải ngân hàng triệu đô la thực hiện dự án, thời gian sang Việt Nam chung sống, xây dựng hạnh phúc với các bị hại sẽ bị chậm lại.
Khi đó, đối tượng Hằng sẽ đóng vai người quen của “doanh nhân Mỹ”, xác nhận vụ việc bắt cóc đòi tiền chuộc để nạn nhân thêm phần tin tưởng. Với lý do “trời ơi đất hỡi” này, có bị hại bị mất hàng tỷ đồng. Trong vụ án này có nạn nhân là một giáo viên ở Tây Nguyên. Người này nhận được thông báo “người yêu doanh nhân Mỹ” sang Việt Nam thăm nhưng bị kẹt ở sân bay cùng một món quà rất có giá trị.
Tưởng thật, chị tức tốc bắt xe tới sân bay tuy nhiên “nhân viên hải quan” cho biết, người đàn ông ngoại quốc này đang bị cách ly trong khu vực cấm và yêu cầu đóng 1 khoản tiền phạt vì món hàng trái quy định nói trên. Dù chưa gặp “người yêu”, không xác nhận được thông tin về việc người kia bị mắc kẹt cùng món quà có giá trị nhưng chị này vẫn răm rắp đóng tiền phạt. Đáng nói, chị phải vay mượn để có đủ 40 triệu đồng nộp phạt theo yêu cầu của “nhân viên hải quan sân bay” mà không hề biết đây chỉ là màn kịch mà Nguyễn Thị Hằng và đồng bọn dựng lên.
Đến khi nộp tiền xong thì “người tình trên mạng” cũng biến mất. Thiếu tá Hà Đức Huy cho biết thêm: không phải ngẫu nhiên mà hầu hết nạn nhân của các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội là phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ thiếu thốn tình cảm hay có đời sống hôn nhân không hạnh phúc. Dù là bằng thủ đoạn cũ hay thủ đoạn mới thì các nạn nhân đều được hứa hẹn tình cảm. Chiếc bẫy tình cảm này sẽ khiến nạn nhân dễ bị điều khiển và mất toàn bộ tài sản cho các đối tượng lừa đảo dù chưa một lần gặp mặt.
Đây cũng là bài học cho nhiều người trong việc sử dụng mạng xã hội. Hãy tỉnh táo hơn để không sập bẫy những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo tinh vi, chuyên nghiệp.
Theo thiếu tá Hà Huy Đức - Đội trưởng Đội cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng CSHS Công an Nghệ An, trong số các nạn nhân bị lừa đảo ở đường dây này, có không ít người có trình độ, địa vị, có người là doanh nhân, nhà giáo, luật sư, nhân viên ngân hàng…. Một phần vì hám lợi, phần vì với chiêu thức đánh vào tình cảm, nhiều người đã mắc bẫy của những đối tượng lừa đảo dẫn đến mất khoản tiền lớn, bị sang chấn tâm lý, suy sụp tinh thần.
|
Kim Long