Nhằm đảm bảo quyền lợi tra cứu thông tin, truy xuất nguồn gốc,…đồng thời để hàng hóa được lưu thông phân phối đến tay người tiêu dùng đúng theo quy định của pháp luật hoặc để tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng doanh nghiệp cần in và dán nhãn phụ tiếng Việt trên sản phẩm.
Quy định dán tem nhãn phụ tiếng Việt vào các hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam đã có từ lâu, nhưng thực tế hiện nay còn rất nhiều cơ sở nhập khẩu và kinh doanh hàng nhập khẩu vẫn chưa thực hiện đúng quy định pháp luật. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi hàng hóa nhập khẩu không dán tem nhãn phụ?
Theo ghi nhận của PV Pháp luật Plus, tại khu vực quận Thanh Xuân (Hà Nội) nhiều mặt hàng nhập khẩu được bày bán tại chuỗi cửa hàng thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Famicook Mart và chuỗi cửa hàng “Hàng tiêu dùng nhập khẩu” vẫn không dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không dán tem hợp quy CR do Nhà nước ban hành.
Hóa đơn mua hàng tại cửa hàng địa chỉ số 17N7B - 19N7B khu đô thị Trung Hòa Nhân chính thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Famicook Mart.
Tại các cửa hàng này nhiều mặt hàng tiêu dùng được bày bán đa dạng như: Thực phẩm; mỹ phẩm; đồ dùng tiện ích gia đình, phụ kiện điện tử...
Tuy nhiên, theo qua sát của PV ở cửa hàng có địa chỉ 68 đường Lê Văn Lương và cửa hàng địa chỉ số 17N7B - 19N7B khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) nhiều sản phẩm bao bì chỉ được in tiếng nước ngoài mà không có nhãn phụ tiếng Việt Nam thể hiện những thông tin về thành phần, tính năng, cách sử dụng, cảnh báo, xuất xứ hàng hóa, nhà nhập khẩu.
Hóa đơn mua hàng tại chi nhánh 68 Lê Văn Lương của chuỗi cửa hàng “Hàng tiêu dùng nhập khẩu”.
Chị Phương Thùy (ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cầm trên tay sản phẩm Dove bày tỏ băn khoăn: Chị muốn mua dầu gội Dove nhưng nhãn mác trên sản phẩm hoàn toàn là tiếng nước ngoài, vì lo sợ về nguồn gốc và thành phần của sản phẩm sợ kích ứng da đầu chị quay sang hỏi nhân viên bán hàng mới vỡ lẽ sản phẩm chị Thùy cầm trên tay là sữa tắm Dove không phải sản phẩm dầu gội chị cần mua.
Khi được hỏi về việc có nhiều sản phẩm tại cửa hàng đang không dán nhãn phụ sẽ gây cho khách hàng khó khăn trong việc lựa chọn thì được nữ nhân viên bán hàng trả lời: “Cửa hàng này mở được 4 đến 5 năm rồi, sản phẩm bán ở đây tùy có nhà phân phối dán nhưng có nhà phân phối không dán tùy từng lô hàng, bên em chỉ nhập lại bán thôi”.
Các mặt hàng được bày bán chủ yếu là mỹ phẩm và các loại rượu bia,... nước ngoài đều không có nhãn phụ tiếng Việt.
Theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.
Như vậy, theo quy định hiện hành hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nếu chưa được thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bằng tiếng Việt thì bắt buộc phải có nhãn phụ thể hiện các nội dung bằng tiếng Việt. Trách nhiệm về ghi nhãn hàng hóa sẽ thuộc về tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa theo quy định tại Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.
Trước thực trạng này, Pháp luật Plus đề nghị Cơ quan Công an, Quản lý Thị trường cùng cơ quan chức năng liên quan sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm theo đúng thẩm quyền.
Bán sản phẩm không có tem nhãn phụ tiếng Việt bị xử phạt như thế nào?
Tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:
a) Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
b) Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Khoản 2 Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 26 theo mức: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường. |
Xuân Thành - Pháp luật Plus