Hành khách ngại bay
Hiện nay, giá vé máy bay nội địa dù đã “hạ nhiệt” so với mấy tháng trước nhưng vẫn ở mức khá cao. Khảo sát cho thấy, các hãng máy bay trong nước đã bán vé cho các tháng 7, tháng 8... Nhiều hành khách có kế hoạch đi lại từ trước cũng đã đặt vé.
Với việc bay thẳng tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và ngược lại trong tháng 7 và tháng 8, giá vé khứ hồi của các hãng Vietjet, Vietravel Airlines, Bamboo Airways trung bình khoảng 2,8 - 3,2 triệu đồng/chuyến. Với Vietnam Airlines, dao động khoảng 3,8 - 4,2 triệu đồng, tùy giờ bay.
Đang là mùa du lịch, nên lịch đặt đi các địa phương như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng... cũng được quan tâm. Giá đi các địa phương này hiện không hề rẻ.
Cụ thể, khảo sát cho thấy, giá vé khứ hồi chặng bay từ Hà Nội đi Phú Quốc dao động từ 3,7 đến 5,5 triệu đồng, tùy hãng bay và tùy giờ bay. Điển hình, nếu chọn hãng Vietnam Airlines, đi thứ Sáu ngày 5/7 và về Chủ nhật ngày 7/7, giá vé phổ thông dao động từ 5 triệu đến 8 triệu đồng/vé khứ hồi, hạng thương gia từ hơn 6,2 triệu đến hơn 7,2 triệu đồng/vé khứ hồi.
Vé khứ hồi hạng phổ thông chặng Hà Nội - Đà Nẵng có giá thấp nhất từ khoảng 2,2 triệu đồng, cao nhất khoảng 5,8 triệu đồng. Chặng Hà Nội - Huế, vé khứ hồi hạng phổ thông từ 2,5 triệu đồng đến 5,8 triệu đồng. Chặng Hà Nội - Nha Trang từ 3,9 - 4,4 triệu đồng...
Vé máy bay cao do nhiều nguyên nhân. (Ảnh: VNA)
Theo quan sát của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN), do giá vé máy bay đi du lịch ở các tỉnh phía Nam tương đối cao nên nhiều người dân Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thay đổi thói quen du lịch.
Nếu trước đây, du khách thường đi Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng... thì mùa hè này, nhiều người đổi địa điểm đi các điểm du lịch phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng. Thậm chí, nhiều người đi du lịch khu vực Đông Bắc, Tây Bắc để nghỉ dưỡng ở những khu homestay.
Anh Dương Công Thái, một người dân ở Hà Nội thì cho biết, năm nay gia đình anh thay vì đi du lịch biển ở các tỉnh miền Trung và miền Nam nước ta thì anh chọn đi Thái Lan. Theo du khách này, giá trọn gói đi ba ngày chặng du lịch Hà Nội - Bangkok - Pattaya - Hà Nội chỉ dao động khoảng từ 8 - 10 triệu/người lớn.
Cách nào để kìm giá vé máy bay?
Việc giá vé máy bay nội địa neo ở mức cao chắc chắn ảnh hưởng đến tâm lí của hành khách, nhất là khách du lịch. Do đó, cách nào để giá vé máy bay “hạ nhiệt”, hợp lí, đem lại lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp khai thác bay và hành khách là “bài toán” được đặt ra.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam, giá vé máy bay thời gian qua tăng do thị trường hàng không nội địa nước ta thiếu sức cạnh tranh.
Vị này dẫn chứng, trong khi Thái Lan có nhiều hãng cùng khai thác, giá vé cạnh tranh hơn thì ở Việt Nam chỉ có hai hãng hàng không lớn là Vietnam Airlines và Vietjet chiếm thị phần gần như toàn bộ trong nước.
Ông Chính cho rằng, để giá vé máy bay ổn định, giảm áp lực giá vé máy bay nội địa, các hãng bay cần loại bỏ khoản phí thanh toán vé (50.000 đồng/khách/chặng). Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa như năm 2021.
Đồng thời, xem xét trình Quốc hội điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đặc biệt, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các hãng hàng không quốc tế đầu tư vào Việt Nam, theo hướng tăng tỉ lệ đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài lên tối đa 49% thay vì 34% như hiện nay.
Còn theo ông Lương Hoài Nam - Tổng Giám đốc Bamboo Airways, giá vé máy bay chỉ giảm khi số lượng tàu bay của các hãng tăng lên. Nhưng việc thiếu máy dự kiến còn kéo dài đến năm 2025 sẽ tiếp tục đẩy hàng không Việt Nam vào thế khó trong thời gian tới.
Ông Đặng Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, giá vé máy bay tăng không chỉ ở Việt Nam mà diễn ra trên toàn cầu, thời gian và mức tăng khác nhau. Các nước trên thế giới đã tăng giá vé máy bay vào cuối 2023 với mức từ 30 - 32%, hãng bay Việt Nam bắt đầu điều chỉnh giá vào khoảng đầu năm nay.
Về nguyên nhân giá vé máy bay tăng, lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng, các hãng hàng không phải đối mặt với chi phí nhiên liệu cao, chênh lệch tỷ giá, thiếu đội bay, chi phí bảo dưỡng máy bay, vấn đề thiếu hụt nhân lực...
Minh Hữu - Pháp luật Plus