Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học rà soát toàn bộ tổ hợp, phương thức xét tuyển
Kinhte&Xahoi
Trong văn bản gửi các cơ sở giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường rà soát các tổ hợp, phương thức xét tuyển và lưu ý, việc lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển bảo đảm phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học.
Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học trên phạm vi cả nước. Trong văn bản, Bộ GD&ĐT cho biết: thời gian qua, Bộ đã nhận được thông tin phản ánh về việc một số cơ sở đào tạo ra thông báo tuyển sinh, trong đó có sử dụng các tổ hợp không liên quan đến chương trình, ngành đào tạo...
Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo nghiêm túc thực hiện quy chế hiện hành cùng các văn bản hướng dẫn.
Để công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025 đúng Quy chế, bảo đảm chất lượng đào tạo và công bằng giữa các thí sinh, Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo nghiêm túc thực hiện quy chế hiện hành cùng các văn bản hướng dẫn của Bộ.
Đối với các trường sử dụng nhiều tổ hợp, phương thức xét tuyển, Bộ đề nghị các trường rà soát các tổ hợp, phương thức. Việc lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển bảo đảm phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học. Riêng đối với các ngành đào tạo giáo viên, tổ hợp môn xét tuyển hoặc ngưỡng đầu vào phải có yêu cầu cụ thể kiến thức môn học tương ứng.
Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển và tổ hợp xét tuyển.
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - kỳ thi đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và 2 môn tự chọn (trong số các môn đã học trong chương trình lớp 12). Cách thi này sẽ tạo ra 36 tổ hợp chọn 4 môn thi tốt nghiệp và sinh ra 81 tổ hợp 3 môn xét tuyển đại học.
Để mở rộng nguồn tuyển, trong mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học tăng tổ hợp môn xét tuyển; không ít trường sử dụng các tổ hợp xét tuyển không có môn học cốt lõi phù hợp với ngành đào tạo. Đơn cử như: ngành Công nghệ sinh học không có môn sinh, ngành Sư phạm lịch sử không có môn lịch sử, ngành Sư phạm địa lý không có môn địa lý, ngành Sư phạm vật lý không có môn vật lý, ngành Dược không có môn sinh và hóa…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trước đó cũng đề nghị các nhà trường thuộc trường hợp kể trên cần điều chỉnh tổ hợp xét tuyển để gắn giáo dục đại học với giáo dục phổ thông.
kinhtedothi