Kết luận điều tra vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình

08/10/2019 10:47

Kinhte&Xahoi Ngoài Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Mạnh Tuấn, cơ quan điều tra còn đề nghị truy tố Nguyễn Khắc Tuấn, Nguyễn Văn Quang (Trưởng môn chấm thi), Nguyễn Thị Thu Loan, Nguyễn Thị Hồng Chung, Bùi Thanh Trà cùng 8 cá nhân với cùng tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ...

Ảnh minh họa. Nguồn Vietnamnet

Theo kết luận điều tra bổ sung lần hai vụ án gian lận điểm THPT quốc gia 2018 ở Hòa Bình, trước kỳ thi, Nguyễn Quang Vinh (Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục – phòng khảo thí, phó trưởng ban chấm thi) đã bàn bạc, chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Lạc Thủy, ủy viên tổ chấm bài thi trắc nghiệm) cùng 18 giám khảo chấm nâng điểm 20 bài thi tự luận môn ngữ văn và 57 bài thi trắc nghiệm.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Hòa Bình có tổng số 65 thí sinh được can thiệp nâng điểm. Các thí sinh này đã sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT. Trong đó, 62 thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. 45 thí sinh trúng tuyển, đã bị buộc thôi học, 10 thí sinh đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển, 6 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, một thí sinh xét nhưng không trúng tuyển), 3 thí sinh không xét tuyển đại học, cao đẳng.

Cơ quan tố tụng nhận định, hành vi của Vinh đã phạm vào tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356 BLHS 2015) với vai trò chủ mưu, cầm đầu.  
 
Đóng vai trò thứ hai là Tuấn do giúp sức tích cực cho Nguyễn Quang Vinh ở tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ngoài ra, theo lời khai, Tuấn còn nhận một tỷ đồng của một số người trung gian, người nhà các thí sinh nhờ nâng điểm. Vì vậy, Tuấn còn bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ, theo Điều 354 BLHS 2015.

Ngoài Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Mạnh Tuấn, cơ quan điều tra còn đề nghị truy tố Nguyễn Khắc Tuấn, Nguyễn Văn Quang (Trưởng môn chấm thi), Nguyễn Thị Thu Loan, Nguyễn Thị Hồng Chung, Bùi Thanh Trà cùng 8 cá nhân với cùng tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, 18 giám khảo chấm thi không bị xử lý hình sự. CQĐT cho rằng, những người này thực hiện hành vi trái quy định nhưng không vì vụ lợi, chịu sự chỉ đạo của cấp trên, có người còn bị ép buộc nên chỉ đề nghị xử lý hành chính.

Tháng 8/2018, Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án. Đến nay, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố 15 bị can trong đó tạm giam 8 cán bộ, giáo viên. Ba trường công an đã trả 28 sinh viên Hòa Bình về địa phương để bàn giao cho gia đình quản lý do điểm chấm thẩm định giảm, vi phạm cam kết với nhà trường. Đại học Sư phạm Hà Nội đã xóa tên một thủ khoa năm 2018 do chỉ đạt 21,5 điểm, thấp hơn mức trúng tuyển ngành Sư phạm Ngữ văn 2,5 điểm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

'Liều thuốc' đặc trị bệnh chạy chức chạy quyền

Bộ Chính trị ngày 23/9 ban hành Quy định 205/QĐ-TW “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”, khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi bằng được những góc tối nhất và nhức nhối nhất tồn tại suốt nhiều năm trong công tác cán bộ.

Nguồn: Pháp luật Plus