Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM xuống cấp trầm trọng, nguy cơ mất an toàn cao
Theo đó, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng vừa có văn bản khẩn gửi UBND TP.HCM về việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ và giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các cơ quan đơn vị ngành y tế.
Trong đó, ông kiến nghị UBND TP sớm xem xét và phê duyệt dự án xây mới Bệnh viện Tâm thần (phường Tân Phú, TP Thủ Đức) và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (khu y tế Tân Kiên, huyện Bình Chánh). Đây là hai bệnh viện nhiều năm rơi vào tình trạng quá tải, xuống cấp dù đã rất nhiều lần đề xuất, kiến nghị hướng giải quyết.
Giám đốc Sở Y tế còn kiến nghị UBND TP cho phép đơn vị bổ sung đề án "Triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình của nước Cộng hòa Cuba tại các huyện ngoại thành của TP.HCM" trong chương trình công tác năm 2024.
Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, thiếu giường bệnh
Theo đó, Sở Y tế sẽ xây dựng, tham mưu UBND TP lựa chọn năm huyện (mỗi huyện chọn một xã xa vùng trung tâm) để triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình trong vòng hai năm, sau đó triển khai đánh giá và nhân rộng cho các phường, xã khác.
Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở Ngoại vụ sớm trình UBND TP dự thảo bản thỏa thuận hợp tác (MOU) với Bộ Y tế nước Cộng hòa Cuba về hoạt động đào tạo, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình.
Mô hình này có điều chỉnh phù hợp với đặc thù của TP.HCM. Ngoài ra triển khai các hoạt động hợp tác, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế, dược phẩm và công nghệ sinh học.
Cuối cùng, Sở Y tế kiến nghị cho phép đơn vị phối hợp với các sở, ngành và UBND huyện Bình Chánh triển khai thí điểm bổ sung nguồn nhân lực cho trạm y tế theo quy mô dân số tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.
Giám đốc Sở Y tế cho biết ngày 31-1, đơn vị có quyết định ban hành kế hoạch hoạt động trọng tâm của ngành năm 2024. Theo đó, có 6 đề án đang được trình UBND TP xem xét.
Về tiến độ thực hiện các công trình, dự án được giao vốn đầu tư công theo từng quý, ông Thượng cho biết trong năm 2023, lĩnh vực y tế có 16 dự án do các đơn vị trực thuộc Sở Y tế làm chủ đầu tư được cấp vốn tính tới thời điểm hiện tại là 758,597 tỉ đồng.
Khối lượng giải ngân tính đến ngày 17/1/2024 là 434,787 tỉ đồng (đạt 57,31%). Trong đó, 6 dự án đã được giải ngân 100%. 10 dự án còn lại và 1 dự án mới trong năm 2024 (dự án nâng cấp cải tạo hệ thống điện Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) sẽ được tiếp tục giải ngân trong năm 2024.
Mô hình Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM (cơ sở 2) tại huyện Bình Chánh
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM được đưa vào hoạt động từ năm 1985 với quy mô 500 giường. Sau gần 40 năm hình thành và phát triển, quy mô khám, điều trị bệnh đã tăng gấp 680 lần nhưng cơ sở vật chất, hạ tầng của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM vẫn y nguyên như lúc ban đầu.
Trước thực trạng trên, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh với quy mô 13 tầng (12 tầng nổi, 1 tầng hầm), có 500 giường bệnh, tổng vốn đầu tư khoảng 1.130 tỷ đồng theo phương thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Lúc bấy giờ, TP.HCM quyết tâm khởi công xây dựng BV trong quý IV/2010, thời gian thi công dự kiến 32 tháng (tính từ thời điểm bàn giao mặt bằng), nhưng đã nhiều năm trôi qua, dự án vẫn bất động.
Đỗ Quyên - Pháp luật Plus