Ngành nước vốn được biết đến như nhóm cổ phiếu tăng trưởng ổn định và cổ tức đều đặn, mang lại sự an toàn cho các nhà đầu tư. Chính vì thế, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khó lường cổ phiếu nước lại càng được nhà đầu tư chú ý nhiều hơn.
Dù vậy, bên cạnh nhiều doanh nghiệp ngành nước có kết quả kinh doanh phục hồi tốt trong năm 2022 thì vẫn có không ít doanh nghiệp chưa thể thoát khỏi khó khăn sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Điển hình là trường hợp của Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn khi trải qua năm thứ ba liên tiếp (2020, 2021 và 2022) có kết quả kinh doanh thua lỗ và có nguy cơ bị hủy niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE).
SII thua lỗ 3 năm liên tiếp
Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn (mã HoSE: SII) đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022.
Trong quý cuối năm, doanh thu thuần của SII đạt hơn 57 tỷ đồng, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Sau khi trừ các chi phí hoạt động, Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn lỗ sau thuế hơn 39 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ lỗ 30 tỷ đồng
Lũy kế cả năm 2022, SII ghi nhận doanh thu thuần đạt 224 tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm 2021.
Sau khi trừ chi phí, Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn lỗ sau thuế hơn 86,3 tỷ đồng, mức lỗ cao hơn so với năm 2021.
Đáng chú ý, đây đã là năm thứ ba liên tiếp, SII ghi nhận lợi nhuận âm. Trước đó, doanh nghiệp này đã lỗ sau thuế hơn 78 tỷ đồng trong năm 2021 và hơn 111 tỷ đồng trong năm 2020.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn đạt 2.225 tỷ đồng, giảm khoảng 6% so với thời điểm hồi đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn chiếm phần lớn (khoảng 91%) với giá trị cuối kỳ lên đến 2.088 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của SII giảm từ 1.376 tỷ đồng đầu năm xuống 1.291 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2022, chủ yếu đến từ khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng giảm gần 90 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả của SII cũng giảm nhẹ từ gần 985 tỷ đồng hồi đầu năm, xuống còn hơn 933 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2022.
Về dòng tiền, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính của SII ghi nhận âm hơn 30 tỷ đồng trong năm 2022 vừa qua.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên ngày 9/2, cổ phiếu SII đang được niêm yết ở vùng giá 13.400 đồng/cổ phiếu. Có thể thấy, so với thời điểm một năm trước thì cổ phiếu SII đã giảm từ khoảng 10 – 15% giá trị.
Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn tiền thân với tên gọi là CTCP Xây dựng Việt Thành – số ĐKKD là 4103002620 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp vào ngày 27/8/2004, vn ban đầu là 550 triệu đồng.
Ngày 22/08/2012, cổ phiếu của công ty được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM với mã chứng khoán là SII.
Tháng 2/2013, thay đổi tên Công ty thành Công ty Cổ phần Hạ tầng Nước Sài Gòn (Saigon Water).
|
HoSE cảnh báo về khả năng hủy niêm yết
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) mới đây cũng đã ban hành thông báo lưu ý về khả năng hủy niêm yết của Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn.
Cụ thể: Ngày 14/4/2022, HoSE đã ban hành quyết định chuyển cổ phiếu từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát đối với cổ phiếu SII do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là -104,59 tỷ đồng và năm 2021 là -73,49 tỷ đồng, căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 và năm 2021, thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quy định.
Ngày 17/1/2023, HoSE đã nhận và công bố thông tin Báo cáo Tài chính hợp nhất quý 4 năm 2022 của SII với lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2022 là -88,92 tỷ đồng.
HOSE cho biết, căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019 như sau: “l. cổ phiếu của công ty đại chủng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trưòng hợp sau đây:... e) Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lo trong 03 năm liên tục hoặc tong số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiêm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. ”.
Do đó, HoSE lưu ý công ty về khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 tiếp tục có kết quả kinh doanh năm 2022 lỗ.
SII muốn thoái vốn tại một số dự án/công ty con để thoát khó khăn
Theo SII, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 là -88,92 tỷ đồng, chủ yếu là do tổng các chi phí lãi vay và khấu hao tài sản cố định trong những năm đầu dự án vẫn còn cao dù đã giảm đáng kể so với năm 2021 (từ mức 196,5 tỷ đồng trong năm 2021 giảm còn 173,3 tỷ đồng trong năm 2022).
Do đó, tốc độ tăng trường doanh thu tuy đáng kể nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp những chi phí này.
SII cũng cho biết, do tác động của dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng trong nửa đầu năm 2022, cùng tình hình thế giới xung đột căng thẳng khiến giá cả nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chính công ty và khách hàng công ty.
Ngoài ra công ty vẫn phải tiếp tục giảm giá cho một số khách hàng thuộc đối tượng giảm giá do Covid-19.
Bên cạnh đó, kế hoạch thoái vốn của công ty chưa thể thực hiện do những điều kiện khách quan của thị trường, nên chưa thể ghi nhận khoản thu nhập tài chính để giảm và thoát khỏi thua lỗ.
SII muốn thực hiện thoái vốn ở các công ty con (Ảnh: saigonwater.com.vn)
SII cho biết, về phương án và kế hoạch khắc phục tình trạng chứng khoán thuộc diện kiểm soát, trong năm, công ty có kế hoạch thoái vốn tại một số dự án/công ty con kém hiệu quả.
Tuy nhiên do những điều kiện khách quan dẫn đến việc thoái vốn bị chậm trễ so với kế hoạch, SII cho rằng, dự định việc thoái vốn sẽ thực hiện tiếp trong năm 2023.
Liên quan đến việc thoái vốn tại một số công ty con, SII hồi đầu năm 2023 từng ban hành phương án thoái vốn tại Công ty CP nước Sài Gòn An Khê. Theo đó, HĐQT của Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn đã chấp thuận phương án thoái vốn tại Công ty CP nước Sài Gòn An Khê theo tờ trình số 73/2022/SGW-TT ngày 23/12/2022.
SII đứng trước thương vụ với DNP Water
Theo thông tin tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã chứng khoán: CII) là công ty mẹ của SII với tỷ lệ sở hữu 50,62% (tính đến thời điểm ngày 31/12/2022).
Được biết, ngày 21/3/2022, HĐQT của CII đã thông qua chủ trương của Công ty về việc thoái vốn tại SII.
Vào tháng 9/2022, Công ty CP Hạ tầng Nước Sài Gòn từng gây chú ý cho các nhà đầu tư khi tại ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2022 đã có tờ trình về việc thông qua giao dịch mua bán cổ phần SII do CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM sở hữu cho bên mua là Công ty CP Đầu tư Ngành nước DNP mà không phải chào mua công khai.
Theo Nghị quyết được công bố, cổ đông đã phát biểu ý kiến về việc thông qua tờ trình về việc thông qua giao dịch mua bán cổ phần SII do CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM sở hữu cho bên mua là Công ty CP Đầu tư Ngành nước DNP mà không phải chào mua công khai, nội dung này sẽ triệu tập họp ĐHĐCĐ để trình thông qua tại cuộc họp gần nhất.
Nhà máy nước sạch DNP Bắc Giang (Ảnh: dnpbacgiang.vn)
Được biết Công ty CP Đầu tư Ngành nước DNP (DNP Water) là một thành viên nằm trong hệ sinh thái của Công ty Cổ phần DNP Holding (Trước đây là CTCP Nhựa Đồng Nai - Mã HNX: DNP) với tỷ lệ lợi ích và tỷ lệ quyền biểu quyết tính tại ngày 31/12/2022 cùng là 51,15%.
DNP Holding sở hữu 15 nhà máy tại các tỉnh thành khác nhau trên cả nước, tổng công suất các sản phẩm nhựa là 8.500 tấn/tháng và 700.000 m3 nước sạch/ngày đêm.
Theo tìm hiểu, DNP Holding đã và đang sở hữu cổ phần các tại các doanh nghiệp ngành nước như: CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP – Bắc Giang (tỷ lệ lợi ích 51,15%), CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP – Long An (tỷ lệ lợi ích 44,06%), CTCP Sản xuất và Kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội (tỷ lệ lợi ích 44,17%), CTCP Nhà máy nước Đồng Tâm (tỷ lệ lợi ích 26,94%), CTCP Đầu tư nước Bình An (tỷ lệ lợi ích 39,15%), CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP – Tiền Giang (tỷ lệ lợi ích 51,14%), CTCP Nước thô DNP – Sông Tiền (tỷ lệ lợi ích 51,15%)…
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến vụ việc tới bạn đọc khi có thông tin mới.
Lê Hải - Pháp luật Plus