Các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp gần 9.300 tỷ đồng tiền thuế
Kinhte&Xahoi
Đến nay, đã có 62 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế với số thuế là 9.281 tỷ đồng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Người Lao động)
Tại Hội thảo chuyên đề “Đổi mới quản lý thuế trong nền kinh tế số” trong khuôn khổ Hội thảo Vietnam Digital Finance 2023 do Bộ Tài chính tổ chức, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài được chính thức vận hành từ ngày 21/3/2022 để tiếp nhận thông tin về kê khai, nộp thuế của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở cố định tại Việt Nam.
Đến nay, đã có 62 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế với số thuế là 9.281 tỷ đồng.
Cùng với đó, Cổng Thông tin thương mại điện tử để tiếp nhận thông tin từ các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước đã chính thức vận hành từ 15/12/2022, đến nay, đã có 355 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện cung cấp thông tin với số lượng tổ chức cá nhân kinh doanh trên sàn là hơn 191.000, tổng giá trị giao dịch lũy kế là 44,5 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 57 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử (trong đó có các nhà cung cấp nước ngoài lớn trên thế giới như: Google, Apple, Facebook, Netflix, TikTok, Microsoft).
Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp ngân sách nhà nước là 3.944 tỷ đồng, trong đó 3.405 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua cổng thông tin điện tử và 539 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay.
|
Trước đó, trong phiên thảo luận chuyên đề “Đổi mới quản lý thuế trong nền kinh tế số”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, trong 2 năm gần đây, từ khi có chương trình chuyển đổi số của Chính phủ, nhất là khi tại Đề án số 06 đặt ra yêu cầu về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa ngành Tài chính và các Bộ, ngành khác, công tác chuyển đổi số của ngành thuế ngày càng được thực hiện sâu rộng.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả kết nối chia sẻ, đại diện lãnh đạo ngành Thuế cho rằng còn nhiều vấn đề đặt ra như sự đồng bộ về hạ tầng, cơ sở dữ liệu, nền tảng pháp lý, chương trình cải cách để có thể kết nối dữ liệu khác nhau của các ngành, hướng tới tích hợp, tập trung toàn bộ cơ sở dữ liệu. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đang đầu tư lớn vào chiến lược dữ liệu quốc gia về dân cư, chiến lược dữ liệu quốc gia, vấn đề là làm sao tiết kiệm được tài nguyên, để có được cơ sở dữ liệu chung, phục vụ cho lợi ích của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, người dân đòi hỏi cần có sự quyết tâm và đầu tư lớn.
Theo ông Minh, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về nâng cao hiệu quả quản lý với hoạt động thương mại điện tử, trong đó, đưa ra kế hoạch, tiến trình cụ thể của ngành Tài chính và đề xuất công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, hoàn thiện pháp luật giữa các Bộ, ngành liên quan, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia môi trường thương mại điện tử.
Lê Hải - Thanh Bình - Pháp luật Plus