Chất lượng dòng tiền không sáng sủa, Hải Phát có đủ năng lực để thực hiện dự án ‘khủng’?
Kinhte&Xahoi
Nợ phải trả gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu, liệu Hải Phát có đủ năng lực để thực hiện các dự án nghìn tỷ?
Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát (HPX) vừa công bố báo cáo tài chính 3 tháng đầu năm, ghi nhận doanh thu thuần đạt 359 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận sau thuế đạt 33 tỷ đồng, tăng 15 tỷ đồng so với cùng kỳ. Dù doanh thu, lợi nhuận quý I/2020 khá đẹp mắt, xong phân tích kĩ báo cáo tài chính của doanh nghiệp này, có thể thấy nợ phải trải, các khoản chi phí dở dang vẫn là “tảng đá” rất lớn của Hải Phát.
Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát đang là con nợ của nhiều ngân hàng
Chất lượng dòng tiền không mấy “sáng sủa”, Hải Phát liệu “gánh” được các dự án khủng?
Đối với doanh nghiệp bất động sản, việc nắm trong tay lượng tiền lớn sẽ là “bước đà” để họ “chinh phục” những dự án lớn. Thế nhưng, với Hải Phát, nợ phải trả đang gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu (tính đến 31/3/2020, nợ phải trả là 3.680 tỷ đồng). Trong đó, nợ ngắn hạn là 2.133 tỷ đồng, nợ dài hạn là hơn 1.547 tỷ đồng. Điều đáng chú ý, dù nợ phải trả cao nhưng trong báo cáo tài chính quý I/2020, Hải Phát không thể hiện cụ thể khoản nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn và nợ khó thu hồi.
Không chỉ nợ tăng, các khoản chi phí, chi phí xây dựng dở dang lên tới 59 tỷ đồng, tiếp tục tăng so với đầu năm. Trong đó, tại dự án Tây Nam An Khánh, chi phí xây dựng dở dang là 2 tỷ đồng; dự án Tân Tây Đô là hơn 45 tỷ đồng; còn lại là dự án khác.
Hải Phát cũng đang “mắc kẹt” số tiền lên tới 2.030 tỷ đồng hàng tồn kho, trong đó, bất động sản để bán đang xây dựng dở dang là 998 tỷ đồng; bất động sản để bán đã hoàn thành là 1.019 tỷ đồng, hàng tồn kho khác lên tới 12 tỷ đồng. Riêng khoản dự phòng phải thu ngắn hạn ở một số công ty, xí nghiệp cũng ở mức cao. Đơn cử, Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 lên tới 30 tỷ đồng; CTCP Sông Đà Thăng Long là 508 triệu đồng…
Chưa kể, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp này liên tục âm. Riêng quý I/2020, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 61 tỷ đồng; tiền chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản khác là âm hơn 6,6 tỷ đồng; tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác âm 247 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư là âm 133 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm hơn 18 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần trong kỳ là âm 213 tỷ đồng…
Riêng về khoản vay, Hải Phát đang là “con nợ” của rất nhiều ngân hàng. Trong đó, vay ngắn hạn lên tới 851 tỷ đồng. Các khoản vay này nằm ở ngân hàng Bảo Việt – Hội sở chính 1 là 183 tỷ đồng; ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam 63,7 tỷ đồng; ngân hàng Tiên phong là 85 tỷ đồng; Vay dài hạn lên tới 1.146 tỷ đồng, trong đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam 200 tỷ đồng; Ngân hàng Bảo Việt – Hội sở chính 2 là 45,2 tỷ đồng; Ngân hàng TPBank là 479 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng hơn 1.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, các khoản trái phiếu tại Công ty Chứng khoán Dầu Khí là hơn 360 tỷ đồng (cả ngắn hạn và dài hạn), CTCP chứng khoán IB gần 600 tỷ đồng (ngắn hạn và dài hạn), Ngân hàng TNHH Indovina là 500 tỷ đồng (cả ngắn hạn và dài hạn), CTCP Chứng khoán MB là 239 tỷ đồng.
Nhìn vào báo cáo tài chính có thể thấy, tài sản của Hải Phát chủ yếu là các khoản phải thu, hàng tồn kho, các khoản đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh, chi phí xây dựng dở dang… các khoản trên gia tăng nhanh chóng tuy nhiên vốn chủ sở hữu lại eo hẹp, tăng chậm. Chưa kể, doanh nghiệp này đang là “con nợ” của nhiều nhà băng. Như vậy, với chất lượng tài sản, dòng tiền trên, khả năng huy động vốn… liệu Hải Phát có năng lực thực sự để triển khai các dự án hàng nghìn tỷ đồng?
Dự án của Hải Phát từng bị “tố” liên quan đến chất lượng, phòng cháy chữa cháy
Hải Phát từng có những dự án vướng tai tiếng, liên quan đến chất lượng, phòng cháy chữa cháy… Đơn cử, dự án chung cư The Pride. Đây là dự án tọa lạc tại phường La Khê, Hà Đông, Hà Nội. Dự án gồm 4 tòa tháp cao 35 và 45 tầng, chung nhau 5 tầng đế cùng đầy đủ các hạng mục, bao gồm: Tầng hầm để xe, khối trung tâm thương mại, khối văn phòng cao cấp, khu vực phục vụ hoạt động thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe và khu vực sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, sau khi tổ hợp dự án này đi vào vận hành, người dân không hài lòng về chất lượng. Cụ thể, tình trạng thang máy rơi tự do và hỏng liên tục quanh năm; tầng hầm mùi rác, mùi hôi thối của bể phốt bốc lên nồng nặc do bể phốt vỡ thường xuyên; Tiền phí bảo trì của gần 2.000 hộ dân sống ở đây bị chủ đầu tư khất lần, chây ì bàn giao…
Hay dự án chung cư HHB Tân Tây Đô (Đan Phượng, Hà Nội) vướng nhiều bất cập về chất lượng, phòng cháy chữa cháy. Theo phản ánh của cư dân, từ khi đi vào hoạt động, nhiều hạng mục trong tòa nhà và các căn hộ xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được chủ đầu tư khắc phục sau khi có ý kiến của cư dân. Bên cạnh đó, cư dân cũng tỏ ra bức xúc vì chủ đầu tư không công khai minh bạch quỹ bảo trì; nước sạch nhiễm Asen, các tiện ích công cộng cư dân không được sử dụng như: Không bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng cho cư dân, chiếm dụng nhiều diện tích chung để cho thuê, trục lợi hàng tỷ đồng như: hầm để xe, sân tennis và quán cà phê phía trước sảnh tòa nhà…
Thảo Nguyên