Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trong thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán có sự phát triển nhanh về quy mô và tính thanh khoản, huy động được nguồn lực tài chính lớn để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của thị trường cũng đã phát sinh một số vấn đề cần phải giải quyết như hiện tượng làm giá, thao túng giá cổ phiếu, hiện tượng doanh nghiệp cố tình lách các quy định của pháp luật để phát hành và giao dịch chứng khoán.
Do đó, để phát triển thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, trong thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp để quản lý, phát triển thị trường.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. (Ảnh: VGP)
Về ý kiến cho rằng, các biện pháp chấn chỉnh thị trường gần đây là cần thiết, nhưng phần nào khiến cho thị trường đang có dấu hiệu trầm lắng, hoặc thậm chí có tâm lý e ngại về phản ứng dây chuyền, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, thời gian vừa qua, cơ quan có thẩm quyền đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường; Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tái phạm hành vi vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin, sử dụng vốn huy động không đúng mục đích đã công bố.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, các biện pháp trên nhằm tăng cường kỷ luật trên thị trường chứng khoán, hướng đến phát triển thị trường theo hướng minh bạch và bền vững. Song song với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để khắc phục những tồn tại, bất cập của thị trường.
Đại diện Bộ Tài chính tái khẳng định, quan điểm của Chính phủ là khuyến khích phát triển và duy trì thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, minh bạch và bền vững; Liên thông với thị trường tín dụng ngân hàng để cung ứng vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các chủ thể tham gia thị trường gồm tổ chức phát hành, nhà đầu tư, các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường.
Đối với doanh nghiệp phát hành cần có phương án huy động vốn rõ ràng, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật. Công bố thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch để nhà đầu tư hiểu rõ về mình. Đồng thời tính toán việc huy động vốn đảm bảo khả năng trả nợ, giữ chữ tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, những biện pháp xử phạt thời gian qua sẽ giúp tăng tính minh bạch của thị trường và không ảnh hưởng đến mục tiêu và định hướng phát triển thị trường, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của cơ quan quản lý.
Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022, trong đó có một số nội dung liên quan đến việc phát triển thị trường chứng khoán.
Theo đó, Chính phủ giao các Bộ: Tài chính, Công an, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quán triệt thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022, số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 và số 15/CĐ-TTg ngày 18/4/2022, bảo đảm ổn định và thúc đẩy phát triển lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Đồng thời, các đơn vị tăng cường công khai, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường, bảo vệ nhà đầu tư chân chính, đúng quy định và ổn định thị trường; Chú trọng hơn nữa thông tin, tuyên truyền, ổn định tâm lý nhà đầu tư.
Hậu Lộc- TTTĐ