Đau đầu bài toán “chảy máu” lao động
Tại buổi đối thoại "Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may - da giầy Việt Nam" diễn ra chiều 8/10, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, dệt may và da giầy là hai ngành sử dụng nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam.
Trong đó, dệt may có khoảng gần 2 triệu lao động công nghiệp, tương đương chiếm 25% lao động toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành da giầy sử dụng 1,4 triệu lao động, chiếm 18,2%. Ngoài ra, còn có gần 1,5 triệu người kinh doanh thương mại, dịch vụ liên quan đến dệt may, da giầy.
Cuộc đối thoại trực tuyến "Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may - da giày Việt Nam" diễn ra chiều 8/10
Theo ông Cẩm, dệt may và da giầy là hai ngành có kim ngạch xuất khẩu rất cao, đang đứng trước cơ hội to lớn khi Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại mới, mở ra cơ hội xuất khẩu với thuế xuất giảm dần về 0%.
Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, chưa bao giờ chuỗi cung ứng của hai ngành này đối mặt với nhiều thách thức lớn như hiện nay.
Ông Cẩm cho biết, từ đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, 28 tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội với mức độ, quy mô khác nhau đã khiến nhiều doanh nghiệp dệt may, da giầy phải ngừng sản xuất, người lao động mất việc làm.
Nhiều doanh nghiệp thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, kéo theo phát sinh nhiều chi phí. Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không thống nhất giữa các địa phương đã gây ách tắc vận chuyển, gia tăng chi phí... cũng là thách thức lớn không hề nhỏ với họ.
Đặc biệt, đại diện VITAS cho biết, chuỗi cung ứng lao động hai ngành có nguy cơ đứt gãy khi người lao động ồ ạt về quê. Việc khan hiếm lao động là bài toán khó với các doanh nghiệp dệt may và da giầy khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất theo chủ trương mới của Chính phủ là thích ứng linh hoạt an toàn với dịch bệnh.
Nói thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký VITAS phụ trách phía Nam cho rằng, thời gian giãn cách kéo dài đang khiến tâm lý công nhân kiệt quệ, ảnh hưởng mạnh đến nguồn nhân lực sau này.
Theo bà Mai, hiện các doanh nghiệp dệt may đối mặt với 3 khó khăn cơ bản. Trong đó, khi mở cửa trở lại, các địa phương chưa thống nhất việc triển khai chủ trương của Thủ tướng Chính phủ nên chuỗi cung ứng bị tác động mạnh.
Khó khăn thứ hai và thứ ba liên quan đến nguồn nhân lực và tài chính. Hiện, ngoại trừ nhiều lao động tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã được tiêm vắc xin, trong khi các tỉnh thành khác vẫn thiếu vắc xin. Nguồn "lao động xanh" chưa có đủ để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại.
Phải có giải pháp giữ chân lao động
Theo khảo sát của VITAS, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (LEFASO) và nhóm Hợp tác công tư (PPP) đối với 256 doanh nghiệp dệt may, giầy dép và 300 công nhân hai ngành cho thấy, trên 60% người lao động muốn di cư về quê hoặc đã về quê, chủ yếu trong một thời gian ngắn để phục hồi sức khỏe và cuộc sống cho bản thân, con cái.
Tuy nhiên, có tín hiệu thuận lợi là 89% người lao động di cư và 96% lao động địa phương muốn tiếp tục làm ở nhà máy hiện tại. Mặc dù vậy, nếu không có biện pháp hỗ trợ tích cực, sẽ phải mất 3-5 tháng để người lao động di cư trở lại nhà máy.
Doanh nghiệp đau đầu với bài toán thiếu lao động do công nhân về quê tránh dịch
"Vấn đề người lao động về quê hiện nay cực kỳ nhức nhối, nhưng họ buộc phải về do đã gặp bất ổn về tâm lý, sức khỏe vì dịch", bà Đỗ Quỳnh Chi - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động nhận định.
Do đó, bà Chi, cho rằng cần tăng cường tiêm vắc xin cho khu vực miền Bắc và miền Trung, người lao động di cư về quê. Đồng thời giảm thuế phí và nhãn hàng cần chia sẻ chi phí, cần có thương lượng giữa hiệp hội với nhãn hàng để chia sẻ chi phí chậm trễ hàng, chi phí xét nghiệm, tạm ứng tiền trả lương cho người lao động.
Bên cạnh đó, bà Chi cũng cho rằng cần nới lỏng biện pháp chống dịch, lưu thông giữa các tỉnh và cho phép người lao động đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin được làm việc bình thường. Cuối cùng là cần những chính sách giãn nợ và cho doanh nghiệp vay ưu đãi, đặc biệt vay để trả lương cho người lao động vì thời gian thanh toán đơn hàng sẽ kéo dài.
Cũng bày tỏ lo lắng về vấn đề lao động, bà Claudia Anselmi - Thành viên ban điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho rằng, thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt là giảm khả năng để quay trở lại sản xuất như bình thường. Đặc biệt tình trạng công nhân di cư về quê sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Do đó, theo bà Claudia Anselmi, những đối tác, các nhà máy, doanh nghiệp cần có những chuyên gia để hỗ trợ, sự linh hoạt trong chính sách sẽ giúp phục hồi kinh tế xã hội và ngành dể may da giày. Đây là cách duy nhất để đảm bảo công nhân trở lại.
Tương tự, ông Nhạc Phan Linh - Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho biết, những khó khăn trước mắt của ngành dệt may, da giầy giống như những ngành lao động khác đó là vấn đề về sức khỏe và lao động sản xuất.
Theo ông Linh, có nhiều người lao động có tâm lý lo lắng quá lớn nên tự nguyện không tham gia sản xuất chứ không phải doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, họ cho rằng mô hình "3 tại chỗ" quá áp lực và khi nới lỏng giãn cách thì họ đã di chuyển sang các tỉnh thành khác.
Vì vậy, ông Phan Linh cho rằng, cần quan tâm hơn nữa đến người lao động. Họ mong muốn được hỗ trợ tài chính và họ mong muốn được chăm lo tăng cường sức khỏe. "Tôi hy vọng các bên liên quan sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người lao động", ông Linh chia sẻ.
Hậu Lộc - TTTĐ